Giải pháp mới trong chỉnh trang và phát triển đô thị

Tuesday, 10/19/2021 15:46
Acronyms View with font size

Nhiều giải pháp mới được xem là đột phá trong chỉnh trang và phát triển đô thị vừa được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất. Nếu thực hiện thành công, hàng chục nghìn nhà ở trên, ven kênh, rạch sẽ được di dời, hàng trăm chung cư cũ sẽ được sửa chữa, xây mới. Cuộc sống người dân và bộ mặt đô thị thành phố sẽ thay đổi.

Một góc đô thị phía nam thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo về tiến độ chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Xây dựng cho thấy kết quả còn rất khiêm tốn. Thành phố mới di dời và bồi thường được 2.479 trong số 20.000 căn nhà trên, ven kênh, rạch, đạt 12,4%. Trong 474 chung cư cũ trước năm 1975 cần phải di dời, xây dựng mới, thành phố đã xây mới được hai chung cư, đang xây dựng ba chung cư. Thành phố đã triển khai thủ tục pháp lý về chấp thuận đầu tư cho 218 dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu; các quận, huyện đã triển khai nâng cấp, mở rộng, bê-tông hóa mặt đường đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu dân cư hiện hữu…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng; trong đó sẽ đầu tư ba dự án gồm dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh).

Đối với cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây mới thay thế chung cư cũ, giai đoạn 2020 - 2025, thành phố sẽ hoàn tất việc xây mới sáu chung cư cấp D đã di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016 - 2020; hoàn tất di dời, tháo dỡ tám chung cư cấp D chưa thực hiện di dời hoặc di dời dở dang; hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Sở Xây dựng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong chỉnh trang và phát triển đô thị là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP không còn quy định hợp đồng BT cho nên thành phố không thể sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư, việc di dời nhà trên và ven kênh, rạch không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, việc di dời người dân với số lượng rất lớn, phức tạp; nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia chương trình cải tạo chung cư cũ do cơ chế chưa đủ hấp dẫn...

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2020 - 2025, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc hành lang sông, kênh, rạch để thu hút nhà đầu tư gắn với đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045. Sở Xây dựng cho rằng, tùy theo tình hình thực tế, có thể xem xét, điều chỉnh bằng cách ban hành các quyết định riêng lẻ giảm phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch xuống mức thấp nhất (chỉ cần bảo đảm đủ rộng để xây dựng kè chống sạt lở, dãy cây xanh cảnh quan…); đồng thời, tăng tối đa quỹ đất sau di dời bồi thường, thu hút nhà đầu tư tham gia.

Ngoài ra, thành phố sẽ lập quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành trên cơ sở đồng bộ các quy hoạch ngành, lĩnh vực làm cơ sở xây dựng phương án kè bờ, chỉnh trang đô thị, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bờ sông, kênh rạch, qua đó chấm dứt triệt để tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Đối với các dự án lớn như di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh, rạch bờ nam kênh Đôi (quận 8), thành phố thực hiện giải pháp phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn một di dời 2.670 căn nhà, giai đoạn hai di dời 2.385 căn nhà nhằm giảm gánh nặng chi phí, bảo đảm dự án thực hiện đúng tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng đề ra giải pháp chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng đất đối với các chung cư cấp D có diện tích nhỏ. Hiện nay, có nhiều chung cư cũ diện tích dưới 1.000 m2 không kêu gọi được nhà đầu tư, do quy mô xây dựng mới không đủ lớn để nhà đầu tư bố trí tái định cư cho các hộ dân và thu hồi vốn, không bảo đảm hiệu quả kinh tế.

 Do vậy, để bảo đảm hiệu quả, Nhà nước trực tiếp tổ chức thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, bồi thường hỗ trợ, di dời tái định cư theo hình thức chỉnh trang đô thị để tháo dỡ chung cư và chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách đối với chung cư cũ diện tích dưới 1.000 m2 hoặc các chung cư không kêu gọi được nhà đầu tư.

Một giải pháp mới khác được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất. Đó là, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ theo hình thức chỉnh trang đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các chung cư hư hỏng cấp B, C cũng như nghiên cứu giải pháp ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, quy hoạch kiến trúc đối với chung cư cấp D nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)