Nghiên cứu sản xuất thành công bột màu vô cơ dùng cho sơn chịu nhiệt

Friday, 07/16/2021 13:50
Acronyms View with font size

Trong quá trình phát triển sản phẩm sơn chịu nhiệt, PGS.TS La Thế Vinh (Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận thấy tại Việt Nam đang rất thiếu bột màu vô cơ dùng để sản xuất sơn chịu nhiệt và vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của nước khác, khiến chi phí sản xuất cao còn doanh nghiệp thì luôn trong trạng thái bị động. PGS.TS La Thế Vinh và đồng nghiệp đã nghiên cứu sản xuất thành công bột màu vô cơ dùng cho sơn chịu nhiệt và tương lai là cho công nghiệp gốm sứ từ các nguồn khoáng vô cơ sẵn có trong nước.

Từ trước đến nay, bột màu vô cơ mà các doanh nghiệp Việt sử dụng, dù là để cho sơn chịu nhiệt hay là sản xuất gốm sứ, thì chủ yếu đều phải nhập khẩu chứ cũng không tự chế tạo màu cho sản phẩm của mình được. Nguyên nhân là bởi, nếu muốn tự sản xuất thì sẽ phải cần có các thiết bị chuyên dụng và đắt tiền, thêm nữa bột màu cho sản xuất công nghiệp cần có độ tinh sạch cao cũng như nhiều tiêu chí khác rất khắt khe. Thế nên dù cũng đã có nhiều nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm nhưng để sản xuất được ở quy mô công nghiệp thì lại là một bài toán khó, PGS Vinh giải thích.

Với sự tài trợ kinh phí từ Bộ KH&CN qua đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (Chương trình KC.02, giai đoạn 2016 - 2020), PGS. TS La Thế Vinh và đồng nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào để cùng giải bài toán này. Khi tìm hiểu các sản phẩm của một Công ty nước ngoài chuyên sản xuất bột màu có chi nhánh tại Việt Nam, anh nhận thấy họ cũng chủ yếu sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam như cao lanh, các loại oxit: sắt, coban, niken, canxi, magie… để sản xuất chứ không cần phải mang từ nước ngoài vào. Bởi vậy, nhóm quyết định đi theo hướng tương tự để vừa tận dụng được các nguồn khoáng vô cơ có sẵn trong nước, vừa tiết kiệm được chi phí.

Sản phẩm bột màu vàng nghệ sau khi nung của nhóm.


Công thức phối trộn các thành phần oxit và phụ gia để tạo nên các chất màu thực ra không khó, thậm chí còn đã được công khai để có thể học theo, PGS Vinh cho hay. Song thách thức lớn nhất lại chính là làm thế nào để khi sản xuất ra số lượng rất lớn, bột màu có thể thực sự sử dụng được.

Với kinh phí hạn chế, nhóm không đặt mua các máy móc đắt tiền mà tự thiết kế, tự chọn nguyên vật liệu và đặt thợ chế tạo, lắp đặt. PGS Vinh cho biết, để thực sự sử dụng được, bên cạnh màu sắc, bột màu cần đáp ứng được các yêu cầu đối với 5 tiêu chí khác: khối lượng riêng, độ hấp phụ dầu, khả năng chịu nhiệt, kích thước hạt, độ bền thời tiết và độ bền màu. Mỗi tiêu chí lại là một lần cần vượt qua với những vướng mắc riêng. 

Năm màu: xanh coban, vàng chanh, vàng nghệ, đen, tím mà nhóm sản xuất.

Trải qua vô số khó khăn như vậy, đến nay nhóm nghiên cứu của PGS.TS La Thế Vinh đã đạt được kết quả khá ấn tượng: các loại bột màu đều có khả năng chịu nhiệt lớn hơn 1000°C, độ bền màu đạt 8/8, độ bền thời tiết đạt 5/5, các chỉ tiêu khác như khối lượng riêng và độ hấp phụ dầu đều tương đương bột màu của Torrecid - hãng sản xuất bột màu lớn trên Thế giới. Duy nhất chỉ có kích thước hạt là còn cần phải cải thiện thêm để có thể ứng dụng được cho gốm sứ do nhóm chưa đầu tư được máy nghiền hiện đại, PGS Vinh cho biết.

Điều đáng bàn hơn là từ nay không cần phải nhập bột màu của Công ty nước ngoài mà hoàn toàn có thể sử dụng bột màu tự sản xuất để sản xuất sơn chịu nhiệt, PGS Vinh cho hay. Với giá thành ước lượng chỉ khoảng vài chục nghìn cho một kg bột màu tự làm, rẻ hơn nhiều lần so với mức giá vài trăm nghìn một kg của bột màu nước ngoài, đây có thể nói là bước đầu thành công của đề tài nghiên cứu, anh chia sẻ. Hơn nữa, việc chủ động được nguyên liệu cho sản xuất có thể giúp tháo gỡ được những khó khăn lớn cho doanh nghiệp hiện nay.

Nhờ làm chủ được công nghệ, hiện nhóm của PGS Vinh đã có thể tự tin sản xuất được mọi tông màu khách hàng mong muốn, từ màu tím, xanh dương, đen, vàng chanh, vàng nghệ, hồng đến màu nâu đỏ, cà phê, kem sữa... Trong thành công ấy, không thể không kể đến vai trò của Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Hóa chất Thiết bị Thịnh Quang - doanh nghiệp đã gắn bó với nhóm từ năm 2011. Chia sẻ về sự gắn kết với doanh nghiệp mà không phải quá nhiều nhà khoa học đều có được này, anh cho rằng, thực ra khi mà khoa học rất gần với thực tiễn và nhà khoa học giải quyết được vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp đang cần, thì việc gắn kết sẽ trở nên rất dễ.

Dù đề tài nghiên cứu đã hoàn thành, song nhóm nghiên cứu của PGS.TS La Thế Vinh vẫn đang liên tục tìm tòi, thử nghiệm để duy trì độ ổn định cho các thông số kỹ thuật, chỉ tiêu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhóm cũng hướng đến việc mở rộng dây chuyền, đầu tư máy móc hiện đại hơn để có thể sản xuất được một lượng bột màu lớn hơn và cung cấp cho khách hàng; cũng như tiếp tục tìm hiểu để có thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất bột màu trong thời gian tới.

Source: Vatlieuxaydung.org.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)