Để bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, Quảng Ninh sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2025. Như vậy, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện đóng cửa toàn bộ các mỏ đá. Lộ trình này cho thấy quyết tâm của tỉnh để hiện thực hóa mục tiêu phát triển chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh".
Mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Quảng La (TP Hạ Long) được hoàn nguyên trồng cây xanh sau khi chấm dứt khai thác.
Thực hiện dần theo lộ trình
Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xóa bỏ lò vôi thủ công. Với kinh nghiệm và bài học từ việc xóa bỏ các lò vôi thủ công, việc đóng cửa mỏ đá cũng đã được tỉnh xây dựng thực hiện dần theo lộ trình.
Nhiều năm trước đây, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Quảng La (TP Hạ Long) do Công ty Than Uông Bí khai thác là nỗi ám ảnh không nhỏ đối với những hộ dân sinh sống gần đó, ngày nắng bụi bay mù mịt, còn trời mưa thì đường nhầy nhụa đất đá trơn. Không những vậy, một số hộ sống gần tuyến đường dẫn vào mỏ đá này còn bị tra tấn bởi tiếng ồn xe chở vật liệu và tiếng ồn từ việc khai thác đá.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, cuối tháng 11/2019, mỏ đá này chính thức có quyết định đóng cửa mỏ (mỏ đá được cấp phép hoạt động ngày 18/1/2006) theo đúng lộ trình đề ra. Ngay sau khi đóng cửa mỏ đá, phía doanh nghiệp đã thực hiện xong công tác hoàn nguyên môi trường và bàn giao lại cho địa phương quản lý (ngày 18/3/2021). Hiện, khu vực khai trường, mặt bằng sân công nghiệp đã được trồng cây xanh (thông nhựa, keo) chống sạt lở đất đá. Đến nay, những kiến nghị của cử tri trước đây liên quan đến vấn đề môi trường xung quanh mỏ đá đã được giải quyết triệt để.
Hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long có 14 mỏ đá hoạt động, trong đó, 3 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; 11 mỏ do UBND tỉnh cấp phép. Theo lộ trình từ nay đến năm 2025, sẽ có 7 mỏ đá hết hạn giấy phép khai thác và sẽ phải đóng cửa mỏ.
Từ nay đến năm 2025, TP Hạ Long yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đá cam kết không đầu tư mới dây chuyền sản xuất, tránh lãng phí nguồn lực. Quá trình hoạt động sản xuất nếu doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác không theo đúng thiết kế và giấy phép, địa phương sẽ xem xét thu hồi trước thời hạn.
Hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Lương Sơn tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long. Ảnh: Thu Trang
Mỏ đá Km6, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả khai thác. Mỏ đá được gia hạn gần đây nhất vào năm 2017. Hiện, mỏ đang giải quyết việc làm cho 130 công nhân (chủ yếu là người địa phương). Quy mô mỏ đá rộng 12,5ha, sản lượng khai thác bình quân 450.000m3/năm. Theo lộ trình đến năm 2022, mỏ đá km6 sẽ phải đóng cửa và thực hiện hoàn nguyên môi trường toàn bộ khu vực mỏ đá.
Ông Nguyễn Tiến Giáp, Giám đốc Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả, cho biết: Thực hiện chủ trương đóng cửa dần các mỏ đá phía doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện theo đúng lộ trình. Hiện nay, quá trình khai thác đá, Công ty triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường xung quanh. Đồng thời với đó, Công ty cũng triển khai phương án hạ cốt, cậy bẩy đất đá, tạo mặt bằng những vị trí phù hợp để trồng cây xanh chuẩn bị hoàn nguyên môi trường.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp đó là bài toán giải quyết việc làm cho công nhân khi thực hiện đóng cửa mỏ đá vào năm 2022. Doanh nghiệp đề xuất tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề phù hợp trước khi mỏ đá dừng hoạt động hẳn.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính từ tháng 12/2018 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đóng cửa mỏ đối với 6 khu vực mỏ đá làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 17 khu vực mỏ đá còn thời hạn được cấp phép khai thác khoáng sản.
Phù hợp định hướng phát triển “xanh”
Quảng Ninh có quỹ đá vôi rất lớn, nằm tập trung chủ yếu ở Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả. Đây là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú có thể khai thác để phục vụ làm vật liệu đá xây dựng. Tuy nhiên những năm qua, việc khai thác các hệ thống núi đá vôi này gây ô nhiễm môi trường và tàn phá cảnh quan thiên nhiên. Trước thực trạng đó, ngày 13/7/2018, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Theo lộ trình đến năm 2022, mỏ đá Km6, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) sẽ phải đóng cửa để hoàn nguyên môi trường.
Theo đó, tỉnh đã xác định duy trì khai thác 23 khu vực mỏ đã được cấp phép với tổng diện tích 240ha; tổng công suất khai thác gần 3,5 triệu m3/năm; tổng sản lượng khai thác giai đoạn năm 2018-2020 là hơn 8,4 triệu m3; giai đoạn năm 2021-2030 sản lượng dự kiến hơn 7,3 triệu m3. Đồng thời xác định lộ trình chấm dứt đóng cửa các khu vực mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để cải tạo hoàn nguyên môi trường. Tỉnh cũng sẽ không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ mới.
Riêng về các mỏ đá của các nhà máy xi măng, việc đóng cửa sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định vì các mỏ này do Bộ cấp. Tuy nhiên vì lý do bảo vệ môi trường, cảnh quan và để phù hợp với định hướng phát triển “xanh”, Quảng Ninh cũng tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long và Cẩm Phả trước năm 2030.
Khai trường khai thác mỏ đá Km6 của Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản nghiêm túc thực hiện đóng cửa mỏ khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn. Đồng thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thực hiện đóng cửa các mỏ đá theo đúng lộ trình đã xác định trong quy hoạch.
Cụ thể năm 2021 thực hiện đóng cửa mỏ 3 khu vực mỏ; năm 2022 thực hiện đóng cửa 1 khu vực mỏ; năm 2023 thực hiện đóng cửa 3 khu vực mỏ; từ năm 2024 đến 2025 thực hiện đóng cửa mỏ 10 khu vực mỏ. Tỉnh sẽ ưu tiên xem xét kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đề xuất của doanh nghiệp khai thác đá khi chấm dứt lộ trình đóng cửa mỏ đá để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Quảng Ninh đang từng bước gặt hái những thành công lớn trong việc chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Việc đóng cửa dần các mỏ đá sẽ giúp tỉnh giải quyết thách thức, áp lực về môi trường sinh thái, mâu thuẫn xung đột với phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại, phù hợp với chiến lược phát triển xanh của tỉnh trong thời gian tới.