Chính quyền đô thị: Chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn

Thursday, 07/01/2021 14:47
Acronyms View with font size

Từ ngày 1/7/2021, Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Việc này sẽ phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Mô hình Chính quyền đô thị hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 1/7/2021, Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Việc này sẽ phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phát huy sáng tạo, chủ động của cấp phường

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 để triển khai thực hiện Nghị định này.

Đáng chú ý, với mô hình này, nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường.

Nhìn nhận về việc này, theo ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Đống Đa, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của quận nói riêng, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô nói chung. 

Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, các địa phương của Hà Nội cũng đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, hướng tới người dân để phục vụ.

Nhấn mạnh tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Nhân dân quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Phương Chung, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận nêu rõ, Đảng bộ và chính quyền địa phương trong quận mong đợi Hội đồng Nhân dân khóa XX tiếp tục có những đổi mới, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ luật giao.

Cùng với đó, Hội đồng Nhân dân quận sẽ phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đi sâu nắm chắc tình hình, thảo luận và quyết định những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phát huy sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cử tri…

Còn ở cơ sở, việc thực hiện theo mô hình mới không chỉ phát huy được tính năng động của các cán bộ công chức; mà hơn nữa còn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp phường.

Bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm chia sẻ mô hình chính quyền đô thị được triển khai tại cấp phường được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá với mục đích nhằm hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo đó, việc chuyển đổi công chức xã phường thành công chức hành chính thuộc chỉ tiêu biên chế của Ủy ban Nhân dân quận đã tạo một sự bình đẳng, không phân biệt giữa các cấp công chức như trước đây, tạo điều kiện cho công chức phường được yên tâm công tác. Ngoài ra, việc này cũng đòi hỏi cán bộ công chức phải tự nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng ứng xử để có thể đáp ứng với yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Ngoài ra, mô hình chính quyền đô thị yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo tại địa bàn, do đó bản thân các đồng chí lãnh đạo phải nêu cao tinh thần chủ động và sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Luôn xác định tâm thế Ủy ban Nhân dân phường phải thay đổi được cách nhìn của người dân khi tới cơ quan công quyền giải quyết Thủ tục hành chính, không còn là một cơ quan hành chính nặng nề với thủ tục rườm rà mà thực sự là nơi phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của công dân,” bà Phùng Phương Thảo nhấn mạnh.

Thay đổi đột phá về cải cách hành chính

Không chỉ phát huy được năng lực các cán bộ, mà điều dễ nhận thấy trong việc điều hành tại cơ sở đó chính là tạo sự đột phá trong việc cải cách hành chính.

Kỳ họp thứ Nhất, Hội đồng Nhân dân quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bà Phùng Phương Thảo cho biết việc quy định công chức Tư pháp-Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực sẽ giúp giảm tải công việc của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường, để Chủ tịch, các Phó Chủ tịch có thể tập trung chỉ đạo giải quyết các công việc của địa phương.

Cùng ý kiến trên, ông Vương Quốc Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cũng nhấn mạnh đến điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cụ thể là việc Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp-Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính...

“Việc công chức thực hiện ký chứng thực khiến Ủy ban Nhân dân phường có thể phục vụ công dân ngay, giúp cho người dân rút ngắn thời gian đi lại trong giải quyết thủ tục chứng thực tại Ủy ban Nhân dân phường. Điều này góp phần khiến cho mô hình chính quyền đô thị thật sự hướng tới cải cách hành chính và phục vụ nhân dân,” ông Vương Quốc Tiến nói.

Mặc dù không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp phường tại 12 quận của Hà Nội và thị xã Sơn Tây, song theo bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương.

Cụ thể, tổ chức Đảng ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. Hội đồng Nhân dân quận sẽ giám sát Ủy ban Nhân dân phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận giao cho các phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân quận.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

“Hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình,” bà Vũ Thu Hà cho hay./.

Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức Chính quyền đô thị ở Thủ đô là Ủy ban Nhân dân phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính.
 
Theo đó, Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của Ủy ban Nhân dân phường theo quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ quy định của pháp luật.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)