Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN

Wednesday, 06/30/2021 14:26
Acronyms View with font size

Sáng ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN/ARF Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dự Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BNG

Thành viên đoàn Việt Nam còn có đại diện của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện thường niên cấp Quan chức cao cấp trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan vào tháng 8/2021.

Hội nghị lần này đã kiểm điểm, rà soát các hoạt động hợp tác của ARF sau một năm triển khai Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025), xem xét hoạt động trong năm giữa kỳ 2021-2022 và các đề xuất văn kiện cho Hội nghị Bộ trưởng ARF lần thứ 28 (dự kiến vào 06/8/2021). Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Tại Hội nghị, nhấn mạnh vai trò của hợp tác, đối thoại trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, các nước đánh giá cao hiệu quả của ARF trong thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa giữa các quốc gia, đặc biệt trong thời điểm nhiều hoạt động bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, các đối tác cam kết phối hợp chặt chẽ với ASEAN để bảo đảm ARF duy trì được tính thời sự của mình, là diễn đàn hàng đầu về hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Các nước nhất trí với danh mục gần 20 đề xuất mới trong tổng số hơn 40 hoạt động cho năm giữa kỳ 2021-2022, thuộc các lĩnh vực như ngoại giao phòng ngừa, cứu trợ thảm họa, chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, hợp tác quốc phòng và gìn giữ hòa bình.

Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BNG

Hội nghị đã thảo luận về tiến trình triển khai Kế hoạch Hành động Hà Nội II cho ARF (2020-2025) và ghi nhận nỗ lực của các nước/tổ chức tham gia ARF để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đại biểu trao đổi và thống nhất trình ARF-28 định hướng công tác các nhóm hợp tác ưu tiên về an ninh biển, an ninh công nghệ thông tin và cứu trợ thảm họa trong giai đoạn mới. Ngoài ra, Hội nghị cũng đã ghi nhận và nhất trí sẽ báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao ARF (8/2021) xem xét hai văn kiện về thúc đẩy chương trình nghị sự về thanh niên, hòa bình và an ninh, phòng chống tội phạm mạng trong ARF.

Đề cao mục tiêu duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở khu vực, các nước phát biểu khẳng định cần đặt ưu tiên hợp tác vào việc phòng, chống và phục hồi sau dịch COVID-19. Nhận định vaccine là biện pháp duy nhất để đưa tình hình trở lại bình thường, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng, thể hiện cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình này.

Về tình hình Biển Đông, các đại biểu khẳng định lại tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong nỗ lực nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sau thời gian bị gián đoạn do dịch COVID-19. Theo đó, các nước kêu gọi COC cần được xây dựng thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, ghi nhận một số hoạt động đơn phương tiếp tục làm phương hại tới nỗ lực của các bên, Hội nghị nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội nghị hoan nghênh nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan vì hòa bình, ổn định. Theo đó, các nước khẳng định ủng hộ ASEAN triển khai đồng thuận 5 điểm của Lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị cấp cao đặc biệt tháng 4/2021 tại Jakarta, Indonesia để sớm đưa tình hình Myanmar trở lại tình trạng bình thường thể theo nguyện vọng và lợi ích của người dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tầm quan trọng của ARF, bày tỏ cảm ơn các nước đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Chủ tịch ARF 2020, xây dựng thành công định hướng phát triển Diễn đàn giai đoạn 2020-2025 cũng như lần đầu tiên hệ thống hóa toàn bộ quy trình, quy chế, thủ tục làm việc của ARF. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ tìm kiếm biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của ARF trước những thách thức mới.

Đề cập tới kết quả của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tháng 6/2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc, Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, nối lại đàm phán COC. Trong bối cảnh các nước phải tiếp tục tập trung nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, Thứ trưởng nhấn mạnh việc các bên cần tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, thực hiện kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, làm xói mòn lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình nhằm duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)