Chuyển đổi sinh thái - xã hội ở các đô thị Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Wednesday, 06/23/2021 14:36
Acronyms View with font size

Ngày 22/6/2021, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) chủ trì hội thảo Chuyển đổi sinh thái – xã hội ở các đô thị Việt Nam. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo về phía AMC có TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc; TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc; về phía FES có bà Claudia Ehing – Giám đốc Dự án Khí hậu & Năng lượng châu Á – FES văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng một số tỉnh, các viện nghiên cứu, hiệp hội nghề, trường đại học và một số tổ chức quốc tế.

Theo báo cáo tại hội thảo, Việt Nam là một trong các nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Các đô thị ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% tổng GDP, là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số đô thị trong toàn quốc là 859 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt xấp xỉ 39,3%. Chất lượng nhiều đô thị được nâng cao, từ nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho tới các dịch vụ xã hội. Nhiều đô thị khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, đang trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đầu mối giao thương lớn của vùng và quốc gia.

Báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng ven biển. Biến đổi khí hậu là yếu tố đe dọa chính đối với hạ tầng đô thị và chất lượng cuộc sống. Các đô thị duyên hải dễ bị tổn thương bởi thiên tai, bão lụt và nước biển dâng, làm tăng rủi ro đối với tài sản, sinh kế của cư dân và hạ tầng đô thị. Mặt khác, tiến trình đô thị hóa nếu không có kế hoạch tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái hiện tại, khí hậu và môi trường.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sinh thái xã hội ở các đô thị cần thúc đẩy phát triển đô thị thân thiện môi trường, ít phát thải; khuyến khích sự tham gia chính trị của người dân; bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch, nhà ở giá rẻ, giao thông sạch và không gian công cộng xanh của cả những nhóm dân cư nghèo hơn, chịu thiệt thòi về mặt xã hội. Các khu vực đô thị có thể tăng khả năng phát triển bền vững nếu thiết kế, quy hoạch và quản lý hợp lý. Để đạt được mục tiêu này, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài, phát huy tối đa khả năng tái sinh bên trong, cân bằng giữa các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau là rất quan trọng. 

Để xây dựng tầm nhìn về một đô thị sinh thái - xã hội, Dự án về Khí hậu & Năng lượng châu Á của FES cùng với các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Môi trường Stockholm thực hiện nghiên cứu khu vực về “Chuyển đổi sinh thái - xã hội ở các đô thị châu Á”. Dựa trên kết quả nghiên cứu, FES phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tiến hành nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các khía cạnh chính của chuyển đổi sinh thái - xã hội ở các đô thị Việt Nam như nhà ở, giao thông đô thị, kinh tế tuần hoàn… - những yếu tố tạo nên đô thị phát triển bền vững về sinh thái và xã hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, TS. Trần Hữu Hà cho biết: hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu về quản lý phát triển đô thị, hướng tới đề xuất những giải pháp khả thi, phù hợp trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ở khu vực đô thị, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tỷ lệ cây xanh, không gian xanh, mặt nước, công trình xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, TS. Lưu Đức Minh nhấn mạnh yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sinh thái xã hội tại các đô thị Việt Nam chính là công tác đào tạo, nâng cao năng lực nhận thức về vấn đề này cho tất cả các bên tham gia vào phát triển đô thị.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến

Phát biểu tại hội thảo, Bà Claudia Ehing cho biết: từ năm 2020, FES bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu về chuyển đổi sinh thái xã hội tại một số nước châu Á: Việt Nam là một trong những quốc gia mà FES hướng tới. Đây là chủ đề khá mới mẻ và vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững. Thông qua hội thảo, FES kỳ vọng sẽ nhận được những ý kiến, những quan điểm đa chiều để làm căn cứ triển khai những nghiên cứu sâu hơn, phục vụ quá trình phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo gồm 02 phần chính: giới thiệu tóm tắt các kết quả nghiên cứu ban đầu về chuyển đổi sinh thái xã hội trong đô thị ở Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, giao thông và nhà ở xã hội; thảo luận nhóm để các bên tham gia bày tỏ quan điểm riêng về vấn đề này.

Thanh Hương (AMC)

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)