Nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp ở Nam Định

Tuesday, 06/22/2021 14:25
Acronyms View with font size

Những năm qua, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã có nhiều giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, từng bước hình thành và duy trì những miền quê đáng sống “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Khung cảnh khang trang, sạch đẹp của một góc huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.

Huy động cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường

Hơn một năm nay, gia đình ông Vũ Hùng Vương ở xóm 13, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN). Ở góc sân, có một hố rác hữu cơ đậy nắp kim loại chắc chắn để ủ phụ phẩm nông nghiệp hay các đồ ăn thừa, với sự hỗ trợ của chế phẩm sinh học. Còn phía ngoài cổng, có một thùng sơn cũ được tận dụng để chứa chất thải vô cơ, chờ thu gom. Là bí thư chi bộ, trưởng xóm, ông Vương nêu gương, đi đầu thực hiện phân loại rác thải, đồng thời nhắc nhở, động viên người dân trong xóm để họ dần thay đổi nhận thức, thói quen về xử lý rác. Ông Vương chia sẻ: Cuối năm 2020, 250 hộ dân tại hai xóm thực hiện thí điểm PLRTTN của xã Nghĩa Thái được huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ kinh phí mua nắp đậy và chế phẩm sinh học. Ðầu năm 2021, xã tiếp tục đầu tư thêm thùng đựng và chế phẩm sinh học cho 700 mô hình. Với riêng đoạn đường trục xã dài 4 km ở khu thị tứ, xã đặt 140 thùng rác hữu cơ và vô cơ để hỗ trợ người dân không có diện tích sân, vườn. "Dù mất thêm chút thời gian phân loại, nhưng đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp, ngăn nắp. Mình làm trước tiên vì nhà mình, xóm mình, sau đến phong trào chung, có khó gì đâu mà quản ngại!" - ông Vương cười bảo.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng Phạm Thị Minh Nguyệt cho biết, đến nay, 11 trong 24 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện PLRTTN. Sau khi đưa vào thùng ủ bằng các chế phẩm vi sinh từ 30 đến 45 ngày, rác hữu cơ chuyển hóa thành phân bón có ích cho cây trồng, không có mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Ðáng chú ý, việc PLRTTN giúp giảm từ 40 đến 50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung, giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp và nâng cao hiệu quả các lò đốt rác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Ðịnh, sau khoảng hơn một năm triển khai, toàn tỉnh đã có 141 trong số 226 xã thực hiện mô hình PLRTTN. Hiện, có một số mô hình nổi bật, đang được áp dụng hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); "Hố rác hữu cơ di động" ở xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực), xã Yên Cường (huyện Ý Yên); "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" ở xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng)… Nhiều địa phương đã xây dựng Ðề án PLRTTN, phấn đấu đến năm 2024 có tất cả các xã, thị trấn thực hiện mô hình này.

Mặt khác, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn hạn chế, trước thực trạng lò đốt rác sau khi sử dụng lâu năm đã xuống cấp, cần sửa chữa ở nhiều địa phương, tỉnh Nam Ðịnh đặt ra giải pháp hình thành các khu xử lý rác thải tập trung liên xã, liên huyện, liên vùng và kêu gọi xã hội hóa xây dựng lò đốt rác. Hiện, đã có một số khu xử lý rác thải tập trung dưới hình thức này, như lò đốt tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, xử lý rác thải cho thị trấn Nam Giang, xã Ðiền Xá và xã Tân Thịnh; lò đốt ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh xử lý rác thải cho hai thị trấn Cổ Lễ và Cát Thành; lò đốt ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên xử lý rác thải cho thị trấn Lâm và xã Yên Khánh… Tháng 9 tới, công trình xây dựng Nhà máy điện rác Greenity (của Công ty CP năng lượng Greenity Nam Ðịnh) sẽ được khởi công trên diện tích gần 7 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án này được kỳ vọng sẽ bảo đảm xử lý toàn bộ lượng rác của TP Nam Ðịnh và năm huyện khác.

Ðẩy mạnh xã hội hóa là một trong những giải pháp được Nam Ðịnh tích cực triển khai nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng; miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường… Một số nơi từ bãi chôn lấp rác tập trung đã thu hút doanh nghiệp đầu tư xây lò đốt, thí dụ lò đốt rác tại xóm 6, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu. Chủ tịch UBND xã Hải Hà Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Trước đây, nơi này là khu chôn lấp rác tập trung rộng khoảng 1 ha. Năm 2018, xã quyết định chuyển sang mô hình lò đốt theo hướng xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Công ty CP sản xuất thương mại và môi trường Ðại Dũng đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lò đốt rác theo công nghệ mới, có bể lắng nước vôi trong để xử lý nước thải, khói thải. Nhờ vậy, phần lớn diện tích chôn lấp rác trước đây được phủ lấp đất, trồng cây xanh hay nuôi gà, vịt. Còn một phần, xã giao cho doanh nghiệp sử dụng làm nhà xưởng dưới hình thức nhà lắp ghép.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Ðịnh Trần Anh Dũng, trước đây, việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn thật sự là bài toán khó với các sở, ngành, chính quyền địa phương. Ở nhiều nơi, xảy ra tình trạng rác xuất hiện trên đường làng, dưới sông, bên cánh đồng…, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ðến nay, sau khi triển khai các giải pháp đồng bộ, khu vực nông thôn đã có 76 xã xây dựng bãi chôn lấp, 109 xã có lò đốt rác, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã từng bước đi vào nền nếp. Ước tính, tổng lượng rác phát sinh tại khu vực nông thôn Nam Ðịnh khoảng 660 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác thải ước đạt gần 90%.

Hướng đến những giải pháp căn cơ, bền vững

Ðể tạo chuyển biến trong công tác thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn, UBND tỉnh Nam Ðịnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn; phê duyệt Ðề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, giao UBND cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch quản lý rác thải, xin ý kiến thống nhất của người dân trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, là một trong hai tỉnh đi đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Ðịnh có bước tiến quan trọng trong công tác thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn. Hoạt động thu gom, xử lý rác thải là một phần quan trọng của tiêu chí về môi trường, cho nên được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện, là nhiệm vụ chính trị, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp và phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể. Năm 2019, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 (sớm hơn 1,5 năm so Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19), Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố chuyển trọng tâm sang thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Ở mỗi giai đoạn, tiêu chí về môi trường lại được nâng cao thêm, kéo theo các yêu cầu khắt khe hơn đối với công tác thu gom, xử lý rác thải. Nhờ vậy, môi trường nông thôn Nam Ðịnh không ngừng được cải thiện.

Về phía người dân, việc tự mình góp sức xây dựng và thụ hưởng thành quả NTM khiến họ nâng cao tinh thần tự giác thực hiện những mục tiêu chung, trong đó có vấn đề về rác thải và bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương, việc giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, "nhà sạch, vườn xanh, đường có điện, có hoa, sông không rác" đã trở thành phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp, thậm chí được đưa vào quy ước, hương ước của thôn, xóm, làng xã.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, việc quy hoạch, lựa chọn điểm xây dựng khu xử lý rác thải liên xã, liên huyện rất khó do người dân địa phương lo sợ bị ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, nguồn thu từ giá dịch vụ vệ sinh môi trường do nhân dân đóng góp không đủ chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt mới thực hiện bước đầu, chưa thật sự trở thành thói quen của người dân, và duy trì thói quen này lâu dài thành nền nếp cũng là vấn đề không đơn giản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Ðịnh Trần Anh Dũng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các khu xử lý chất thải rắn quy mô vùng huyện, liên huyện theo quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh đã được phê duyệt; tích cực lan tỏa mô hình PLRTTN, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom rác thải gắn với tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nhìn lại những thành tựu của 10 năm xây dựng NTM, Nam Ðịnh tin tưởng bằng sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân, tỉnh sẽ từng bước tăng cường hiệu quả xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, gìn giữ khung cảnh yên bình, sạch đẹp của những miền quê đáng sống.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)