Hà Nội: Phát triển 5 huyện thành quận là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2025

Wednesday, 06/02/2021 15:38
Acronyms View with font size

Chiều 1-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị của Ban Chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển lên quận đối với huyện Hoài Đức với mục tiêu huyện lên quận vào năm 2020; đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên quận. UBND thành phố cũng đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện.

Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó đều chưa đạt 2 tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị. Các huyện đều kiến nghị thành phố cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng 100% khoản thu thuế phát sinh; tăng cường phân cấp cho cấp huyện đầu tư lĩnh vực giao thông…

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng, thực tế nhu cầu đầu tư ở cả 5 huyện đều rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách đều khó khăn. Nếu phân cấp cho 5 huyện toàn bộ nguồn thu thì theo tính toán của Sở Tài chính, chỉ có huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu -chi, còn lại tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Đức 47% và huyện Đan Phượng đạt 27%. Đối với tiêu chí về mật độ giao thông, các ý kiến đề nghị trong điều kiện nguồn vốn khó khăn cần phải có giải pháp cụ thể hơn để xác định nguồn lực, trong đó nên xem xét đến thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh việc xây dựng 5 huyện thành quận không chỉ là nhiệm vụ của các huyện, của Ban Chỉ đạo, mà là trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy. Thống nhất với ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thành phố nên ban hành 1 nghị quyết riêng dành cho 5 huyện để có những cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ nút thắt về nguồn lực, giải quyết một loạt các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ. “Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình cụ thể và ưu tiên cho từng huyện, không thể xếp hàng ngang, ai mạnh hơn sẽ về đích sớm hơn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, tuy đã có nhiều nỗ lực, song việc triển khai thực hiện các Đề án của 5 huyện vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Trước hết, cần thống nhất đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Điều này đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố và Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Các huyện phải xác định quyết tâm và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo và các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với các huyện trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, theo chức năng nhiệm vụ rà soát, tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu 5 huyện lên quận đối với các tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo UBND thành phố và Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai thực hiện các Đề án theo định kỳ và theo báo cáo chuyên đề.

Source: Hà Nội mới

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)