Quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Friday, 04/09/2021 14:03
Acronyms View with font size

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nông dân. Nội dung này cũng thể hiện rất rõ trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Với tinh thần đó, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đều quyết tâm xây dựng NTM nâng cao.

Đoàn công tác Thành phố thăm, kiểm tra sản xuất tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ

Phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp

Các xã: Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Thọ Xuân, Liên Hồng (huyện Đan Phượng) vừa vinh dự đón nhận quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao đợt 2, năm 2020. Không chỉ hồ hởi đón nhận Bằng công nhận danh hiệu, mà các địa phương này có thêm động lực để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để xây dựng quê hương ngày càng trù phú, thịnh vượng, cuộc sống đủ đầy. Có được thành quả như ngày hôm nay, tất cả là sự đoàn kết đồng lòng của người dân 3 xã trên. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, ngay sau khi được công nhận huyện NTM, Đan Phượng tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao với 9/15 xã đã đạt đủ tiêu chí và 3 xã vừa được công nhận NTM nâng cao. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trên tất cả các lĩnh vực để phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và lộ trình đến năm 2024 có 15/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) cũng vừa nhận quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có được niềm vui này, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã huy động tối đa nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí về xây dựng NTM. Cùng với đó, địa phương ra sức phấn đấu để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có 40 doanh nghiệp, 271 hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng… Xã cũng đã chuyển đổi thành công các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng hoa, cây ăn quả… đem lại thu nhập cao cho người dân.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng NTM và NTM nâng cao không chỉ là nhiệm vụ mà đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các vùng quê ngoại thành Hà Nội và đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, trong số 368/382 xã đạt chuẩn NTM có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Không dừng lại ở con số này, ngay những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, nhiều địa phương đã đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Chẳng hạn như huyện Chương Mỹ đăng ký 3 xã (Đồng Phú, Thủy Xuân Tiên, Hợp Đồng) phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021. Hay huyện Phúc Thọ, trên cơ sở rà soát, đánh giá các tiêu chí, huyện thống nhất giai đoạn 2021-2025, tập trung nguồn lực xây dựng 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, năm 2022, huyện phấn đấu có 2 xã (Võng Xuyên, Hát Môn) đạt chuẩn NTM nâng cao. Giai đoạn 2023-2025 sẽ thực hiện các xã: Thọ Lộc, Phụng Thượng, Tam Hiệp, Tích Giang và Vân Phúc.

Không riêng các xã trên, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng triển khai phong trào thi đua xây dựng NTM diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai, song song xây dựng NTM nâng cao tại xã Kim Sơn, thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành tiếp tục duy trì, nâng cao chất lược các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Xây dựng NTM nâng cao thực chất, bền vững

Theo lộ trình, giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu có 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và 40% số đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, trong xây dựng NTM nói chung và xây dựng NTM nâng cao nói riêng cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, về nguồn lực cho công tác xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều. Thuận lợi như huyện Đan Phượng, nhưng quá trình xây dựng NTM nâng cao cũng gặp một số khó khăn do việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khó nhân rộng. Các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện thiếu tính cạnh tranh, chưa bền vững và quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, ngành du lịch chưa phát triển và khai thác được hết tiềm năng của các lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian; các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề để xây dựng các điểm giới thiệu được nét văn hóa và quảng bá được các sản phẩm địa phương…

Còn tại thị xã Sơn Tây, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Công tác chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao còn chậm kéo theo nâng cao thu nhập cho người dân là cả một vấn đề lớn…

Để thúc đẩy việc xây dựng NTM nâng cao, ngoài sự nỗ lực của từng người dân đòi hỏi tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực, có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực, vai trò chủ thể của nhân dân khu vực nông thôn; còn vai trò của chính quyền các địa phương được xác định là định hướng, tổ chức. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thông suốt về nhận thức, tư tưởng không chủ quan trước những thành tựu phát triển đã đạt được. Đồng thời phải liên tục sáng tạo, đổi mới để hoàn thiện hơn nữa từng nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... trong xây dựng NTM nâng cao.

“Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND thành phố tạo điều kiện, khuyến khích thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để giải quyết tiêu thụ nông sản cho nông dân… để xây dựng NTM nâng cao thực chất, bền vững”, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.

Source: Hà Nội portal

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)