Không gian nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL xưa

Wednesday, 12/23/2020 14:23
Acronyms View with font size

Theo nhiều tư liệu, nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL ít có thay đổi về cấu trúc, không gian (hoặc có thay đổi thì không đáng kể) cho đến khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1975 của thế kỷ trước. Đến thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 trở về sau, do đời sống kinh tế, xã hội nước ta phát triển nên nhà ở đã có sự thay đổi nhanh chóng về cấu trúc, vật liệu xây dựng, kiểu dáng cùng quy mô không gian nhà. Tìm hiểu về không gian nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL xưa còn biết thêm nhiều kiến thức về tự nhiên, đời sống lao động sản xuất của cư dân vùng đất này.

Cảnh quê miền Tây. Ảnh: DUY KHÔI

Về thổ nhưỡng, Nam Bộ nước ta phân ra làm hai vùng rõ rệt là miền Đông và miền Tây, do điều kiện thiên nhiên, môi trường có sự khác biệt. Dễ thấy nhất, miền Đông là vùng đất cao, mưa nhiều, khí hậu nóng ẩm nên có nhiều rừng nguyên sinh, rừng quy mô lớn với các loài danh mộc như trắc, gụ, cẩm lai, thao lao… và gỗ thông dụng cũng rất nhiều như sao, dầu, căm xe, trâm... Trong khi miền Tây là vùng đất thấp, thường xuyên ngập nước nên khá nghèo nàn chủng loại cây cho gỗ, chỉ có vài loại dùng tạm trong xây dựng như: mù u, so đũa, tràm, đước, bần, mắm, trâm bầu… Có một số ít cây dầu, sao, thao lao được trồng quanh những đình chùa, giồng cát, chỗ đất cao không ngập nước vào mùa lũ nhưng chất lượng không tốt lắm do lớn nhanh, thịt xốp bởi đặc điểm thổ nhưỡng vùng đồng bằng Cửu Long. Cùng độ cao chừng 20m, một cây dầu ở ĐBSCL khoảng độ 50 tuổi, trong khi ở miền Đông là trên 100 tuổi, ở đại ngàn Trường Sơn phải đến gần 200 năm tuổi. Trong khi đó, nhà ở phổ biến ở các vùng nông thôn ngày xưa thường phụ thuộc rất lớn đến nguyên vật liệu tự nhiên mà nơi ấy có. Vì vậy, những đặc điểm tự nhiên trên đã tác động không nhỏ đến không gian nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL thuở xưa.

Theo tư liệu điền dã, khá nhiều bậc cao niên ở các làng xóm vùng ĐBSCL vẫn còn nhớ rõ khuôn viên nhà của một gia đình bậc trung thông thường. Đó là trên một mảnh đất bằng phẳng và được đắp cho cao hơn vườn ruộng xung quanh, có diện tích chừng 200m2-500m2, người ta cho xây dựng nhà ở. Nhà đa phần được cất ở trung tâm, có diện tích chừng 100m2-200m2, thường theo kiểu 3 gian, 2 chái hoặc kiểu nhà "trính", nhà "rọi" có kê tán hoặc không kê tán (chôn chân).

Chái bếp. Ảnh: DUY KHÔI

Đầu tiên, trước mặt tiền có cổng nhỏ, hai bên có trồng dâm bụt, kim quýt, đinh lăng làm rào giả. Cổng nằm mé bên trái, hoặc phải, tránh đi thẳng vào chính diện và cửa cái. Dọc theo lối vào thường có trồng vài cội mai vàng. Cũng có nơi là khoảng trống không có trồng cây gì do đất ở vùng nước lợ, mặn… Ở nông thôn ĐBSCL, người ta trồng tre, trúc, dừa quanh khuôn viên nhà. Khuôn viên được hiểu như nền nhà mở rộng có tác dụng phơi phóng nông sản, làm sân chơi, dựng rạp khi có quan, hôn, tang, tế. Phía sau nhà có ao nuôi cá, ven bờ trồng vài cây khế, mận, ổi... Nhà thường nuôi chó, ngỗng để phòng kẻ gian.

Bước qua khỏi cổng rào, đi thẳng vào sân, sẽ gặp trước cửa nhà là Bàn Thông Thiên, thường là một trụ đá hoặc gỗ, trên đầu trụ có miếng gạch phẳng hình vuông cỡ 3x3cm. Trên miếng gạch, có lư hương để cắm nhang, một bình hoa và ba chung nước nhỏ để cúng trời đất.

Nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL đa phần có cột, xiên, kèo bằng dừa, cau già, so đũa (đã ngâm trong nước bùn), tràm, mắm, đước lâu năm có cho "ăn" dầu trai để chống mối mọt. Đòn tay, rui thường là tre mỡ cứng (được ngâm và nhận dưới bùn trên 6 tháng), tre xiêm tuy hơi mềm hơn nhưng để khô khỏi ngâm. Mái nhà và vách hầu như được làm bằng lá dừa nước có rất nhiều ở khắp nơi.

Khách sẽ gặp ở hàng hiên (hàng ba) một cái lu to hoặc vài khạp da bò, da lươn (lu loại lớn có thể chứa đến 220 lít nước với hoa văn trang trí thường là hình rồng, phượng đắp nổi; khạp nhỏ hơn lu và có màu chủ yếu là da bò, da lươn), được đậy nắp kín, cạnh đó treo một cái gáo dừa có cán để múc nước uống. Bước vào là căn chính của căn nhà ba gian, hai chái được cất theo kiểu nhà trính rất phổ biến ở miền Tây thời đó. Đầu tiên, sẽ thấy một tủ thờ sát vách trong. Trên đầu tủ có bộ lư hương bằng đồng, bình cắm hoa, thố (lư) cắm nhang, ảnh vẽ hoặc chụp ông bà, cha mẹ đã quá cố. Trên đầu tủ dựa vào vách thường có một bức tranh kiếng to, vẽ phong cảnh, hoa lá hoặc tranh mô tả chuyện xưa, tích cũ ("Lâm Sanh Xuân Nương", "Phạm Công Cúc Hoa", "Công chúa đội đèn", "Chàng Nhái Kiểng Tiên"…). Liền với tủ thờ, phía ngoài là một bộ bàn ghế hình chữ nhật với hai hàng ghế đai, chỉ sử dụng khi tiếp khách quan trọng. Ở căn phía trái thường để bộ ngựa gõ sừng đen mun, hoặc bộ ván xoài, đước... Ở căn phía phải, sát vách đôi khi có tủ búp-phê chưng ly, chén kiểu, bộ ấm sứ... Gần cửa sổ có thể có bàn máy may hay bàn học.

Phía sau của căn bên trái là phòng ngủ, căn giữa thường sử dụng làm bồ lúa, căn bên phải cũng là phòng ngủ tùy theo nhân khẩu ít nhiều của hộ gia đình. Các cửa vào buồng có rèm che rủ xuống… Nhà nếu theo kiểu ba gian, hai chái thì gian giữa luôn là cửa cái, hai gian hai bên có cửa sổ. Phần trên xiên trước cửa giáp mái nhà hay được đóng vỉ ô vuông để thông gió.

Hàng lu, kiệu trước hoặc sau nhà. Ảnh: DUY KHÔI

Phía sau của phần chái bên trái thường sử dụng làm nhà bếp, phía trước để bàn tròn với nhiều ghế vuông ngồi ăn cơm, uống trà với hàng xóm, khách quen. Trong bếp luôn có tủ chén, gạc-măng-rê (tủ bếp, chạn bát), hoặc "cũi chén" để đựng, chứa dụng cụ phục vụ nấu nướng. Chái bên phải thường bỏ trống dành cho sinh hoạt. Võng lưới được mắc, giăng xuôi theo hàng cột để nằm nghỉ ngơi. Phía sau nhà, người ta thường che mái ra thêm dùng cho việc sắp củi khô dự trữ, gọi là "cự củi".

Nhà ở ĐBSCL hồi ấy được cất phổ biến theo hai kiểu: nhà trính và nhà rọi. Nhà trính có cấu trúc chắc chắn và khá phức tạp với nhiều cột, kèo, xiên, xà ngang, dọc, kết nối liên hoàn. Nếu đúng bộ, một căn nhà trính có tới 32 cây cột lớn nhỏ. Do cấu trúc như vậy nên nhà trính rất cứng cáp. Với nhà trính, người ta dễ ngăn chia các phòng trong ngôi nhà. Nhà rọi đơn giản hơn, chỉ có 4 cây cột cái giữa và các cột hàng nhì, hàng ba. Có khi người ta tiết kiệm, dùng 2 cây chỏi gắn trên xiên tâm để chịu kèo. Trong trường hợp này, cột, xiên tâm phải to, chắc hơn bình thường một chút. Lúc ấy cột cái chỉ còn có 2 cây. 

Do các điều kiện tự nhiên, cũng như đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, người dân ĐBSCL luôn thích nghi với môi trường sống, tiếp nối các bậc tiền nhân đã khai hoang mở cõi, phát triển vùng đất mới. Không gian nhà ở vùng nông thôn ĐBSCL thuở xưa là một thực thể gắn bó vô cùng thiết thân với người miền Tây, một dấu ấn văn hóa sâu đậm trong dòng chảy lịch sử hơn 300 năm của miền đất phương Nam.

Source: Báo Cần Thơ

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)