Bình Định: Một số kết quả đáng chú ý trong công tác cải cách hành chính năm 2020

Wednesday, 12/16/2020 14:50
Acronyms View with font size

Theo báo cáo số 237/BC-UBND ngày 14/12/2020 của UBND tỉnh, sau một năm triển khai thực hiện nhiệm vụ trên 06 lĩnh vực của công tác cải cách hành chính (cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính), tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:

Ảnh minh họa

Thứ nhất, về cải cách thể chế

Năm 2020, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 87 VBQPPL (gồm: 17 Nghị quyết, 70 Quyết định do HĐND, UBND tỉnh ban hành) để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương; hoàn thiện đồng bộ các thể chế về kinh tế, hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, khuyến kích, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, các quy định về phân cấp, ủy quyền, các quy định về cơ chế phối hợp trong giải quyết TTHC, quản lý nhà nước. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản được quan tâm thực hiện thường xuyên; qua đó, phát hiện có 02 VBQPPL do tỉnh ban hành không đảm bảo trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính

Trong năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành “Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Bình Định”, “Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định” và “Quy chế thực hiện liên thông nhóm TTHC Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế của hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 25/11/2020, Trung tâm đã tiếp nhận 62.223 hồ sơ, đã giải quyết và trả kết quả cho 61.962 hồ sơ (đúng hạn 61.354 hồ sơ, trễ hạn 608 hồ sơ); đang giải quyết 2.642 hồ sơ (quá hạn 13 hồ sơ); quá trình luân chuyển hồ sơ, phối hợp giải quyết TTHC giữa Trung tâm và các cơ quan liên quan được thực hiện trên môi trường điện tử, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy.

Tỉnh Bình Định đã cung cấp 272 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 183/272 dịch vụ công của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 67%, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ); hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phục vụ hiệu quả cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục “Cấp phiếu lý lịch tư pháp”. Việc cung cấp dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” được Lãnh đạo UBND một số địa phương cấp huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo và bước đầu phát huy hiệu quả với hơn 4000 bản sao điện tử được cung cấp. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương (Sở Tư pháp; UBND các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn) đã tiếp nhận hồ sơ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có sử dụng các thành phần hồ sơ chứng thực điện tử.

Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Sắp xếp kiện toàn bộ máy bên trong của 20/21 cơ quan thuộc UBND tỉnh. Qua sắp xếp đã giảm 54 tổ chức (20 phòng chuyên môn thuộc Sở, 03 Chi cục trực thuộc Sở, 31 phòng thuộc Chi cục và tương đương); mỗi sở, ngành được cơ cấu từ 2-3 cấp phó đảm bảo theo quy định; giảm 20 lãnh đạo ban, chi cục (03 cấp trưởng, 17 cấp phó); giảm 47 trưởng, phó phòng thuộc sở (14 trưởng phòng, 33 phó phòng); giảm 52 trưởng, phó phòng thuộc chi cục/ban thuộc Sở (31 trưởng phòng, 21 phó phòng); mỗi phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được cơ cấu từ 2-3 cấp phó theo quy định. Thực hiện hợp nhất và tổ chức lại 13 đơn vị sự nghiệp thuộc sở và UBND cấp huyện; chuyển 10 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển 04 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thành công ty cổ phần; đang thực hiện quy trình cho giải thể 01 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Thực hiện giải thể, hợp nhất, sắp xếp 58 tổ chức phối hợp liên ngành.

UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện giải quyết chính sách tinh giản biên chế năm 2020 đối với 110 trường hợp: (09 công chức, 57 viên chức sự nghiệp, CBCC xã 44); nâng tổng số công chức được thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2020 của tỉnh là 219/2.525 biên chế, so với biên chế được giao năm 2015 đạt tỷ lệ 8,67%; tổng số viên chức thực hiện tinh giản biên chế là 2.321/30.028 biên chế, đạt tỷ lệ 7,72%; thông báo kết quả giải quyết tinh giản biên chế đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện giải quyết chính sách tinh giản biên chế đợt I năm 2020 (đối với 54 trường hợp).

Thứ tư, về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định bổ nhiệm đối với 17 lãnh đạo cấp sở (04 Giám đốc, 13 Phó Giám đốc), bổ nhiệm lại 13 lãnh đạo cấp sở (04 Giám đốc, 09 Phó Giám đốc); bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 10 lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động 16 trưởng phòng và tương đương theo quy định. Tuyển dụng thông qua thi tuyển 120 công chức hành chính tỉnh năm 2020 và 650 viên chức các cơ sở giáo dục trung học cơ sở, tiểu học, mầm non thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh;

Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên; nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc (480 trường hợp) và các phụ cấp; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đến tuổi nghỉ hưu (14 Giám đốc, Phó giám đốc sở); bổ nhiệm vào ngạch đối với công chức hoàn thành thời gian tập sự (60 trường hợp); cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả các kỳ thi nâng ngạch ngạch công chức (chuyên viên cao cấp 06, chuyên viên chính 01, thanh tra viên chính 11), thăng hạng viên chức theo quy định. Tổ chức 06 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 380 học viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Sở, ngành, UBND cấp huyện 06 lớp cho 468 cán bộ, công chức cấp xã.

Thứ năm, về cải cách tài chính công

Đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm phát huy tính chủ động trong quản lý ngân sách của mỗi cấp, gắn với phân cấp về quản lý kinh tế - xã hội. Trong đó, các khoản thu ngân sách được phân loại và quy định mức tỷ lệ được hưởng cụ thể ở mỗi cấp; nhiệm vụ chi được giao phù hợp với nguồn thu, những nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp trên nhưng cấp dưới thực hiện thì được ngân sách cấp trên đảm bảo. Theo đó, đến hết năm 2020, đảm bảo trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương, quản lý chặt chẽ nợ công, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 24%, chi thường xuyên dưới 70% theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 16/6/2017 của Chính phủ.

Thứ sáu, về hiện đại hóa nền hành chính

Hạ tầng công nghệ thông tin của hầu hết các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được trang bị hoàn chỉnh. Hệ thống văn phòng điện tử (Idesk) và 100% cơ quan, đơn vị tham gia và kết nối trên trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã; 100% cơ quan hành chính các cấp kết nối liên thông hệ thống văn phòng điện tử; 100% văn bản hành chính không mật được lưu chuyển dưới dạng điện tử trong nội bộ từng cơ quan nhà nước; 100% văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số điện tử được gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia. Duy trì ổn định việc cập nhật, tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện nhiệm vụ, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao thông qua Phần mềm chỉ đạo điều hành. Có 34/34 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 22/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 135/159 xã, phường, thị trấn hoàn thành, công bố việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc chuyển đổi áp dụng ISO phiên bản TCVN 9001:2008 sang phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015./. 

Source: Binhdinh.gov.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)