Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Không thể thiếu vai trò của Bộ Xây dựng

Thursday, 11/26/2020 15:35
Acronyms View with font size

Bộ Xây dựng đang làm tốt nhiệm vụ chủ trì hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn là tiền đề có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn là tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Dịch Phong).

Vai trò của Bộ Xây dựng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Từ giai đoạn 2010 - 2015, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật, đề xuất nhiều đề án và phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác lập quy hoạch nông thôn mới.

Mặc dù, chất lượng đồ án quy hoạch nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, nhưng bước đầu là cơ sở tốt cho các xã lập các đề án xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ xã có quy hoạch trên cả nước tăng từ 23,1% năm 2010 lên 83,5% năm 2013 và đến năm 2018 là 98,4%.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu cụ thể của chương trình là tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, hoạt động chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và gắn sản xuất với thị trường để hình thành liên kết nông – công nghiệp – dịch vụ – thị trường ngay trên địa bàn nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ mới là chủ trì hướng dẫn quy hoạch xây dựng vùng đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới và quy hoạch xã nông thôn mới bổ sung thêm nội dung đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị.

Trước đó, nhiệm vụ của Bộ trong giai đoạn 2010 - 2015 cơ bản là phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Nội dung quy hoạch cũng chỉ chú trọng phát triển khu dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện hữu trong phạm vi một xã.

Sau khi nhận nhiệm vụ mới, Bộ Xây dựng nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn và đề xuất các chương trình, dự án để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Để quy hoạch xây dựng vùng huyện nông thôn mới, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện rất cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực rà soát, đánh giá hiệu quả của công tác lập và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực của địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ địa phương. Tính đến hết tháng 6/2018 là gần 1.000 cán bộ.

Định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Ngày 18/05/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.

Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị lựa chọn các huyện triển khai thí điểm theo Đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã lựa chọn 8 địa phương triển khai thí điểm. Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An và Ninh Thuận lựa chọn các huyện nằm ngoài khu vực đô thị. Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị vào năm 2020. Đến nay, các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện thí điểm tại các địa phương cơ bản được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

Nhưng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn qua được đánh giá vẫn ở cấp độ quy hoạch chung, chưa có nhiều nghiên cứu về quy hoạch chi tiết trung tâm xã. Các điểm dân cư nông thôn, cảnh quan nông thôn mới còn ít được đề cập.

Việc xây dựng và quản lý cảnh quan nông thôn hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện tượng chia nhỏ các ô đất ở thành nhiều ô nhỏ đã tạo ra bộ mặt cảnh quan làng xóm bị cứng nhắc theo kiểu đô thị lớn, hay miền núi bị đồng bằng hóa ngày càng diễn ra phổ biến.

Tác động của công nghiệp hóa và cơ chế thị trường khiến cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, từ đó dẫn tới thay đổi về cấu trúc không gian, cảnh quan môi trường.

Diện tích ao, hồ nước và cây xanh ngày càng giảm dần. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đặc biệt là rác thải ở nông thôn ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, người dân lại chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng không gian, cảnh quan nông thôn và Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn. Đây là lý do chính tạo nên một bức tranh nông thôn chắp vá, đa màu sắc nhưng thiếu ấn tượng.

Do đó, Bộ Xây dựng có đề xuất 5 định hướng nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn, quản lý cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng đang thay da đổi thịt nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Nguyễn Khắc Hiển).

Thứ nhất là định hướng không gian quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã truyền thống, đảm bảo sự hài hòa và thân thiện với môi trường.

Thứ hai là xác định các khu vực cảnh quan trọng tâm để tạo điểm nhấn và nét độc đáo riêng cho các xã nông thôn mới.

Thứ ba là gắn kết các điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện hoặc liên huyện với các điểm sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho quá trình đô thị hoá tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện, xã.

Thứ tư là định hướng mạng lưới hạ tầng khung phục vụ sản xuất, liên kết giữa địa bàn sản xuất với khu dân cư và giữa các khu dân cư với nhau trên địa bàn cấp huyện.

Thứ 5 là định hướng bảo vệ và gìn giữ những nét truyền thống của thôn bản xưa, tạo dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng thôn, xã.

Source: Báo Xây dựng

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)