Quyết tâm xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II “xanh, bản sắc, hạnh phúc”

Tuesday, 06/23/2020 14:21
Acronyms View with font size

Năm 2001, thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái ) được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Yên Bái. Ngày11/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2002/NĐ-CP về thành lập thành phố Yên Bái trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Ngày 04/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2008/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trấn Yên để mở rộng thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình. Hiện thành phố Yên Bái có 10.678,13 ha diện tích tự nhiên, 15 đơn vị hành chính. Đến nay, sau 19 năm xây dựng và phát triển, diện mạo kinh tế xã hội đã có bước chuyển vượt bậc, là động lực để thành phố Yên Bái quyết tâm sớm trở thành đô thị loại II “xanh, bản sắc, hạnh phúc.”

Cầu Bách Lẫm

Động lực và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Thành phố Yên Bái, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đầu mối giao thông, trung tâm kết nối, giao thương với các đô thị lớn vùng đồng bằng Sông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Phát huy lợi thế và khẳng định vị trí quan trọng của mình, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện. Ban hành và triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đô thị giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 28/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái. Tập trung cao độ cho phát triển kinh tế -xã hội, ưu tiên phát triển công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ nhanh, toàn diện, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế đô thị của thành phố và trở thành trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh. Chú trọng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, kinh tế trong những năm qua đã có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng mạnh thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2020, thương mại - dịch vụ đạt 51,5%, công nghiệp - xây dựng đạt 46%, nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 2,5%. Thu ngân sách đạt kết quả vượt bậc, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2.812 tỷ đồng, gấp 02 lần giai đoạn 2011 - 2015; Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trên 92% hộ gia đình, trên 73% thôn, tổ dân phố và trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; xây dựng 30 tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, 100% thôn, tổ dân phố xây dựng mô hình tổ tự quản về nếp sống văn minh, trật tự đô thị, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong văn hóa ứng xử của nhân dân. An ninh, quốc phòng được giữ vững ổn định, 2 năm trở lại đây thành phố luôn là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được phát huy; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Kết quả này, chính là động lực cơ bản để thành phố quyết tâm hướng đến đô thị loại II. 

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị và quản lý quy hoạch

Thành phố huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị. Triển khai các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhằm thu hút các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Tốc độ xây dựng và phát triển đô thị của thành phố diễn ra khá nhanh, nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng, có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển lớn cho thành phố, nổi bật như: Công trình cầu Bách Lẫm kết nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Tuần Quán; đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; Dự án nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái được tích cực triển khai. Trong 5 năm qua, thành phố đã triển khai xây dựng 283 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 1.029 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là 628 tỷ đồng. Đề án phát triển đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 189 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 50,4 km, tổng mức đầu tư là 27,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 11 tỷ đồng. Đến nay 100% đường liên thôn, tổ, liên xã đã được kiên cố hóa. Tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt 80% trở lên. Công tác quản lý trật tự đô thị được tăng cường, xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên - Nguyễn Thái Học thành tuyến đường điểm “Sáng, xanh, sạch đẹp”. Tiến hành quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới với những đặc thù riêng của thành phố Yên Bái. Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đồng bộ quy hoạch từ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, đến quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, không để phá vỡ quy hoạch. Theo thống kê đến nay thành phố Yên Bái đã đạt 52/59 tiêu chí. Tuy nhiên, còn 7/59 tiêu chí chưa đạt đô thị loại II như: Thu nhập bình quân đầu người, dân số toàn đô thị, dân số khu vực nội thị, mật độ dân số toàn đô thị, nhà tang lễ, tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị, chợ nông thôn. Điều này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền thành phố có giải pháp đột phá, giải quyết tốt điểm nghẽn để thành phố sớm đạt tiêu chí đô thị loại II.

Hướng tới đô thị loại II “xanh, bản sắc, hạnh phúc”

Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu đô thị mới hữu ngạn sông Hồng, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình đô thị đạt chuẩn với kiến trúc hiện đại, có tính thẩm mỹ cao để tạo điểm nhấn đô thị, mang đặc trưng của một đô thị miền núi, bản sắc có núi, đồi và dòng sông trong đô thị. Giữ gìn, phát triển không gian, cảnh quan đô thị, mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái đến hồ Thác Bà, đầm Vân Hội theo quy hoạch chung, gắn với hình thành các vùng chức năng và các trục không gian chính như vùng đô thị trung tâm, vùng công nghiệp, vùng du lịch văn hóa, sinh thái, trục cảnh quan sông Hồng gắn với phát triển trung tâm đô thị đa chức năng… Quản lý chặt chẽ quy hoạch cây xanh đô thị, xây dựng thành phố Yên Bái xanh đặc sắc “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố. Chú trọng trồng cây xanh theo chủ đề ở từng tuyến phố, lựa chọn loại cây trồng có sự phối hợp màu sắc hài hòa, tạo nét đặc trưng riêng cho đô thị, xây dựng tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Âu Cơ, Tuần Quán và một số tuyến đường mới trở thành các tuyến đường xanh, hình thành vành đai xanh ven Sông Hồng, để tạo hình ảnh đô thị, kết hợp phát triển du lịch. Chỉnh trang, nâng cấp và nhân rộng các tuyến đường, tuyến phố kiểu mẫu về văn minh, trật tự đô thị, an toàn giao thông và đạt quy chuẩn về quản lý xây dựngchú trọng xây dựng các mẫu nhà đẹp đồng bộ về màu sắc ở một số tuyến phố mới, phát triển các dự án nhà phố, nhà vườn là xu thế chủ đạo gắn với không gian xanh. Lựa chọn một số công trình quan trọng có sức lan toả, tạo sự đột phá lớn để đề xuất tập trung đầu tư . Phấn đấu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đến năm 2025 từ 50% trở lên. Tỷ lệ đường khu nhà ở thôn, ngõ xóm được chiếu sáng đạt 90%. Đến năm 2020, tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt 80% trở lên. Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà tang lễ, khu hỏa táng bằng hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nghĩa trang An Bình Viên theo quy mô tập trung khoảng 100 ha. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm  nhìn đến năm 2030, Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tăng cường công tác quản lý đô thị thành phố đến năm 2025; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị cùng với chú trọng phát huy vai trò của các tổ tự quản về trật tự đô thị, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện hiệu quả nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với xây dựng hình ảnh con người thành phố Yên Bái văn minh, thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, đồng lòng từ chính quyền đến người dân… sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố sớm hiện thực hóa khát vọng sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II “xanh, bản sắc, hạnh phúc”.

Source: Yenbai.gov.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)