Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình trong mùa mưa bão

Wednesday, 06/17/2020 14:07
Acronyms View with font size

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết; bão, áp thấp nhiệt đới có thể tác động trực tiếp đến các địa phương, nhất là vùng miền núi; các loại hình thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm…, công tác đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình trong mùa mưa bão đã và đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai với phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả mọi tình huống thiên tai, trong đó lấy phòng tránh là chính”.

Lốc xoáy tối 10/6/2020 khiến xưởng gỗ rộng hơn 2.000 m2 của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma
tại xã Trung Mỹ bị đổ sập. Ảnh: Nguyễn Lượng

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến bất thường và cực đoan như mưa to kèm dông lốc, mưa đá xảy ra ở các tỉnh phía Bắc nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng vào các thời điểm rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Cụ thể, vào các tối từ ngày 8-25/5/2020, trên địa bàn tỉnh đã có lốc, sét kèm theo mưa dông trên diện rộng đã làm 1 người bị thương; 2 nhà bị sập; 767 nhà, 1.023 công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng; 2 nhà xưởng bị thiệt hại; 13.600 m2 nhà lưới, nhà kính bị sập, nghiêng và cuốn bay; hơn 900 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; hơn 12.000 cây ăn quả, gần 14.000 cây lâu năm bị gẫy đổ; 1.800 m tường rào bị đổ..., ước tính thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trận mưa dông xảy ra vào tối ngày 8/5/2020 hoàn toàn bất ngờ, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến người dân không kịp trở tay. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương cùng nhân dân chung tay khắc phục hậu quả.

Gần đây nhất, tối 10/6/2020 trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt mưa dông, có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20-60 mm kèm theo sét; đặc biệt trên địa bàn xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên xảy ra lốc xoáy gây thiệt hại về người, tài sản.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, tính đến 8 giờ ngày 11/6/2020 đã có 4 người bị thiệt mạng, 20 người bị thương. Cụ thể, tại huyện Bình Xuyên, lốc xoáy khiến xưởng gỗ rộng hơn 2.000 m2 của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma tại xã Trung Mỹ bị đổ sập làm 3 người bị thiệt mạng, 18 người bị thương; tại huyện Tam Đảo, sét đánh làm 1 người bị thiệt mạng, 2 người bị thương ở thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan và khoảng 100 ha hoa màu của huyện Vĩnh Tường bị ảnh hưởng.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng ứng phó thiên tai với phương châm 4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương huy động phương tiện, con người thường xuyên trực tại các điểm xung yếu, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, hoặc ngập úng; hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng chống thiên tai cho người dân; đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng, đảm bảo hoàn thành tiến độ.

Theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, nhà ở; tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành văn bản về chủ động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình trong mùa mưa bão năm 2020.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp, chủ sở hữu công trình, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai theo tài liệu hướng dẫn được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ xây dựng; thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở, công trình trước mùa mưa bão.

Kiểm tra, rà soát mức độ an toàn và có biện pháp sửa chữa, gia cố các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao, đặc biệt các công trình xây dựng tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét phải có các biện pháp phòng, chống, cảnh báo cho nhân dân.

Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình, truyền thanh, trụ BTS, cột điện ly tâm..., kiểm tra, rà soát mức độ an toàn của công trình, tiến hành các biện pháp gia cố, giằng, chống đảm bảo an toàn công trình và hành lang lưới điện.

Đôn đốc các nhà thầu xây lắp tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện tổ chức triển khai và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành những hạng mục cơ bản để chống lũ và vượt lũ; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, nhất là đối với các máy móc, thiết bị làm việc trên cao mùa mưa bão.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát hệ thống tiêu thoát nước đô thị, xây dựng phương án, giải pháp phù hợp khắc phục nhanh tình trạng ngập úng cục bộ tại địa bàn đô thị khi mưa lớn; tổ chức đánh giá phân loại nhà an toàn theo các cấp bão; đề xuất các giải pháp gia cố, tăng cường khả năng chịu lực đối với các nhà ở chưa đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng khó lường, ngoài việc chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng chống lụt, bão, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, cập nhật kịp thời tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa bão xảy ra.

Source: Báo Vĩnh Phúc

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)