“Trợ lực” cho thị trường bất động sản bằng chính sách

Thursday, 06/11/2020 14:03
Acronyms View with font size

Các chuyên gia đều chung nhận định, cho dù gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản năm 2020 vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững khi các nút thắt được tháo gỡ bằng loạt chính sách mới.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong 2 quý đầu của năm 2020, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng do việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, nhóm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, kinh doanh dịch vụ bất động sản (môi giới, tư vấn bất động sản), đầu tư, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hoạt động đầu tư kinh doanh đình trệ, nguồn cầu giảm. Cùng đó, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường và cắt lỗ của nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng... khiến thị trường càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch VNREA nhận xét, thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ nửa cuối 2019 và đầu năm 2020. Dấu hiệu giảm sút mạnh thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất thanh khoản. Nhiều dự án kéo dài, việc triển khai gặp khó về thủ tục pháp lý…

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, khó khăn đang tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định, cho dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản năm 2020 vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững khi các nút thắt được tháo gỡ bằng loạt chính sách mới được ban hành và có hiệu lực. Những đổi mới về chính sách được xem như công cụ pháp lý hữu hiệu gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Đáng chú ý là Thông tư số 21/2019/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 với quy định diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 đối với dự án nhà ở thương mại. Căn hộ 25m2 sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu căn hộ của thị trường nhà ở trong thời gian tới.

Phân khúc này cũng tạo điều kiện cho những hộ gia đình ít người và những người có mức thu nhập hạn chế mua được nhà… Đây là một trong những chính sách được mong chờ nhất hiện nay.

Cùng đó, hàng loạt chính sách liên quan đến bất động sản cũng đã được triển khai, có hiệu lực được các doanh nghiệp quan tâm như Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan đến bất động sản được triển khai từ tháng 1/2020, giúp kiểm soát hiệu quả, tránh việc đầu cơ, đẩy giá bất động sản, gây bất ổn thị trường bất động sản.

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020 cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm các sai phạm trong sử dụng đất đai; Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất, không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc tăng nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm đầu cơ đất đai…

Một số doanh nghiệp xây lắp chia sẻ, hộ đặc biệt quan tâm đến Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; trong đó có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.

Những quy định mới trong Nghị định 25 không chỉ giúp giải tỏa, giải phóng mặt bằng nhanh mà các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu sẽ được triển khai xây dựng đúng thời gian, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả doanh nghiệp và xã hội…

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nghị định 25 đã gỡ bỏ được nút thắt lớn nhất trong đấu thầu, giao đất, cho thuê đất, triển khai dự án. Thị trường bất động sản giai đoạn này rất cần được “trợ lực” bằng các động thái gỡ bỏ vướng mắc trong thủ tục hành chính, đặc biệt là việc giao đất cho nhà đầu tư sau khi tham gia đấu thầu thành công để có thể sớm triển khai và đưa dự án ra thị trường…

Ở góc độ quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất Chính phủ triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án kinh doanh bất động sản cũng như các dự án đầu tư đang gặp vướng mắc về đất đai.

Cụ thể là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; trong đó quy định Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư; đề xuất giải quyết các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư đang gặp vướng mắc về đất đai…

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả các trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm do ngừng hoạt động bởi ảnh hưởng của dịch…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, cùng với việc chỉ đạo tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng trở lại sau đại dịch COVID-19, Chính phủ cần xem xét để không “siết” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

Trong bối cảnh khó khăn chung, những “trợ lực” này được xem như đòn bẩy giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, lấy lại thăng bằng, góp phần phát triển thị trường bất động sản theo hướng bền vững, minh bạch./.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)