Hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà

Wednesday, 04/22/2020 14:37
Acronyms View with font size

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Chính phủ và NHNN đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN bất động sản và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, hiện nay các Thông tư, Nghị quyết của Chính phủ, NHNN liên quan hỗ trợ DN, cá nhân chưa xác định bất động sản là lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay hầu như tất cả các DN bất động sản, người mua nhà đều chưa thể đàm phán với các NHTM để cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cũng như giãn tiến độ trả nợ mà không bị chuyển qua nhóm nợ xấu.

Nhiều người mua nhà đang gặp khó khăn trong việc trả nợ

Hiện nay các DN bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN bất động sản, nhất là trong lúc các DN vẫn phải duy trì lực lượng lao động.Thực tế, theo thống kê của HoREA, thị trường bất động sản quý I/2020 rất  trầm lắng. Tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 thậm chí có thể nói là gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Vì vậy HoREA kiến nghị NHNN xem xét, chỉ đạo các NHTM cho các DN bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Tương tự, các ngân hàng cũng xem xét cho người vay vốn mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả nợ theo tinh thần Thông tư 01/2019 của NHNN.

Ngoài ra, theo HoREA, hiện nay, giới lao động trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập, có nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ”. Khảo sát của Hiệp hội này cho thấy rằng cứ sau mỗi 10 năm thì đa phần giới trẻ có thu nhập tăng lên khoảng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro.

Vì thế, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới lao động trẻ vay theo phương thức tín chấp để mua nhà. Vì khi có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác. Từ đó kích thích nền kinh tế phát triển.

Bình luận về những kiến nghị trên của HoREA, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc đề xuất các NHTM hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà là một đề xuất hợp lý. Bởi hầu hết người mua nhà trả góp dài hạn là công chức, nhân viên văn phòng, tiểu thương... đang có thu nhập ổn định, nhưng nay do ảnh hưởng từ dịch bệnh bị mất việc làm hoặc giảm sút thu nhập. Nếu không kịp thời hỗ trợ cho nhóm người mua nhà thì sẽ dẫn đến tình trạng người dân không xoay xở được tiền trả nợ phải bán lại căn hộ đã mua. Từ đó, nếu lan rộng sẽ tạo thành làn sóng bán hàng loạt bất động sản căn hộ với giá thấp giống như đã từng xảy ra vào thời điểm năm 2012, khiến thị trường rất phức tạp và khó quản lý, kiểm soát.

Riêng về việc hỗ trợ các DN bất động sản, ông Hiển cho rằng nếu Chính phủ không hỗ trợ thì cộng đồng DN bất động sản cũng có thể tự điều chỉnh xoay xở phần nào, có thể yếu đi chứ không đến mức đổ vỡ. Mặc dù hiện nay quan hệ giữa các DN bất động sản với các NHTM là quan hệ hợp tác làm ăn. Trong đó có tính đến các yếu tố kết nối, chia sẻ đồng hành lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, bất khả kháng. Tuy nhiên việc hỗ trợ giữa các NHTM đối với DN là khách hàng của mình cũng sẽ được các nhà băng tính toán hợp lý. Bởi bản thân ngân hàng cũng là một loại hình DN. Họ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe của Luật Các TCTD và các quy định nghiệp vụ về tài chính tiền tệ chứ không thể tùy tiện, chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ mà vượt qua các quy định pháp lý hiện hành.

Source: Thời báo ngân hàng

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)