Chung tay chống úng ngập

Tuesday, 04/21/2020 13:26
Acronyms View with font size

Theo tính toán của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội - đơn vị chủ lực thực hiện công tác chống úng ngập trên địa bàn thành phố - thì với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập; lượng mưa từ 50mm đến 100mm/2 giờ dự kiến khu vực nội thành Hà Nội có 11 điểm úng ngập. Trong khi đó, thành phố mới đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước nội thành thuộc lưu vực các sông: Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét. Do đó, ở các khu vực khác khi có mưa lớn sẽ có tình trạng úng ngập cục bộ.

Dẫn một vài số liệu trên để thấy rằng, vẫn còn đó những nỗi lo thường trực về úng ngập khi mùa mưa đến gần. Thực tế, năm nay dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện cách ly xã hội, nhiều công việc ít nhiều bị xáo trộn, nhưng không vì thế mà các đơn vị chức năng của thành phố lơ là với công tác thoát nước. Theo đó, các đơn vị sớm chủ động kế hoạch ứng phó, đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng các trạm bơm. Cùng với đó, việc duy trì nạo vét, khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường các tuyến cống, mương, sông, hồ điều tiết đã được thực hiện. Đặc biệt, tại những vị trí thoát nước có dự án xây dựng đang triển khai thì việc hút bùn, nạo vét càng được chú trọng; đồng thời việc giữ mực nước trên hệ thống cũng được bảo đảm theo quy định...
 
 Dù tiến độ công việc có phần gấp gáp, nhưng trước diễn biến của dịch Covid-19, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn đặt việc bảo vệ sức khỏe của người lao động lên hàng đầu. Công ty đã trang bị khẩu trang, găng tay, ủng, nước sát khuẩn... cho công nhân; tăng cường tối đa sử dụng thiết bị máy móc để thay thế con người.

Dự báo thời tiết năm nay diễn biến khó lường, vì thế việc thực hiện các giải pháp căn cơ, bền vững để chấm dứt nỗi lo “cứ mưa lại ngập” là hết sức cấp thiết. Thực tế cho thấy, các điểm ngập nặng hiện nay chủ yếu ở các khu đô thị mới đang xây dựng, hoặc ở các tuyến đường có nhiều khu đô thị, mật độ chung cư cao. Thêm nữa, các công trình xây dựng dang dở cũng làm ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của các công trình tiêu, thoát nước. Do vậy, về lâu dài cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, quản lý đô thị, trong đó phải quan tâm đến hệ thống thoát nước.

Trước mắt, trong khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, trạm bơm đầu mối, thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ cao thì giải pháp tối ưu vẫn là chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực ở mức tối đa, sẵn sàng “giải cứu” những điểm úng ngập... Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước; yêu cầu dỡ bỏ, đình chỉ thi công các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến thoát nước; có biện pháp tách lọc dầu mỡ khỏi nước thải - tác nhân gây tắc hệ thống cống.

Về phía chính quyền địa phương, trong điều kiện hạ tầng thoát nước còn nhiều khó khăn thì cần tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình không thải trực tiếp dầu mỡ ra hệ thống thoát nước; đẩy mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý kịp thời những công trình ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước...

Cùng với trách nhiệm của cơ quan chức năng, thì mỗi người, mỗi nhà, cần chung tay nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường; không vứt rác bừa bãi, làm tắc nghẽn dòng chảy... Chỉ khi nào các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt trong hành động; người dân không thờ ơ, nâng cao ý thức bảo vệ hạ tầng, môi trường của đô thị... thì việc chống úng ngập trên địa bàn thành phố vào mùa mưa mới đạt hiệu quả. Với sự chung tay, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, Hà Nội sẽ sớm chấm dứt được tình trạng úng ngập mỗi khi mùa mưa đến.

Source: Hà Nội mới

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)