APEC 2017: Đối thoại SOM về các RTA và FT

Monday, 08/28/2017 15:47
Acronyms View with font size
Trong 2 ngày (27-28/8), tại TPHCM, trong khuôn khổ APEC 2017, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc gia 2017 và Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức “Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Quang cảnh Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cuộc đối thoại có sự tham dự của các trưởng SOM APEC, các quan sát viên chính thức của APEC, các diễn giả, đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, giới học giả và đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC.

Đây là sự kiện quan trọng ở cấp quan chức cao cấp APEC (SOM) và được chờ đợi hằng năm. Chủ đề “Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” được cho là cơ hội để các nền kinh tế thành viên đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, để liên kết kinh tế tiếp tục là trọng tâm hợp tác của APEC, hướng tới hình thành một Khu vực Thương mại tự do (FTAAP) trong tương lai, sau khi đã hoàn thành mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại vào năm 2020.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc đối thoại, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cho biết, đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cuộc đối thoại định kỳ hằng năm giữa các nền kinh tế trong APEC. Tại kỳ đối thoại này, các thành viên sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong đàm phán, những nội dung mới… Cách tiếp cận của APEC là hình thành nhiều khu vực mậu dịch tự do tại các tiểu khu vực khác nhau, tạo thuận lợi để tiến tới một khu vực mậu dịch tự do trên toàn Khu vực.

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam coi tiếp cận các thị trường quốc tế là rất quan trọng cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Trong thời gian qua, trong khuôn khổ APEC, Việt Nam đã đàm phán rất nhiều hiệp định tự do với các đối tác quan trọng. Hiện Việt Nam đã ký được 12 hiệp định tự do với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán, ký kết một số hiệp định tự do với các nước ở khu vực khác như hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (có hiệu lực từ tháng 10/2016), đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu,… Tóm lại, cùng với xu thế chung là mở cửa và hội nhập, Việt Nam cũng đang nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do cả nhiều bên và song phương, tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn trao đổi với báo chí bên lề đối thoại. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Về sáng kiến phát triển bao trùm mà Việt Nam đưa ra tại APEC 2017, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, chủ đề này được các nước thành viên đánh giá rất cao, không chỉ thu hút được sự ủng hộ mà còn đáp ứng được nguyện vọng chung của các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam. Lý do mà đề xuất của Việt Nam nhận được sự quan tâm của tất cả các thành viên APEC là bởi, trong quá trình toàn cầu hóa, một số khu vực vùng sâu vùng xa, một số bộ phận dân cư, một số doanh nghiệp nhỏ trên thế giới chưa theo kịp sự phát triển, thậm chí còn tụt hậu. Vì vậy, cần phải có một kế hoạch chung để các tầng lớp xã hội cũng như các loại hình doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển. Theo đó, kế hoạch phải bao trùm đối tượng tham gia và khi phân phối lại thành quả cũng cần phải bao trùm, chia sẻ đều cho các thành phần xã hội.

Dự kiến, trong năm APEC 2017, các nước sẽ đưa ra một khung hành động về phát triển bao trùm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

Liên quan đến những thách thức trong quá trình tham gia vào các RTAs/FTAs, ông Sơn cho rằng, mặc dù hội nhập đã giúp nhiều nền kinh tế phát triển nhưng vẫn chứa đựng những rủi ro. Đó là vấn đề sản xuất dư thừa, việc hội nhập tạo ra những khu vực phát triển nhưng đồng thời cũng còn không ít nơi phát triển chậm, những điều này dẫn đến xu hướng nghi ngại toàn cầu hóa và một số nước lại muốn dựng lên những “hàng rào” bảo hộ khác nhau…

Trong bối cảnh đó, số đông các nước vẫn muốn hợp tác thông qua các hiệp định thương mại tự do, giúp tiếp cận thị trường của nhau một cách ổn định, lâu dài, đáp ứng lợi ích cho các bên, cùng nhau phát triển. Do đó, trong khuôn khổ WTO, các nước sẽ đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi rộng hơn, không chỉ với hàng hóa mà còn cả dịch vụ và đầu tư công…

Với phía Việt Nam, Chính phủ xác định tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do để tranh thủ những thuận lợi này, đưa hàng hóa và dịch vụ trong nước thâm nhập các thị trường khác trên thế giới.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho hay, kỳ họp SOM 3 tại TPHCM, các sáng kiến do Việt Nam đề xuất từ đầu năm liên quan đến những ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017 sẽ được cụ thể hóa thành những văn kiện cụ thể và được thông qua để trình lên hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Trong gần 30 năm qua, các RTAs/FTAs tại khu vực APEC, nơi tập trung hơn 1/2 tổng số các FTAs trên thế giới, đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và tính chất.

Các FTAs đã mang lại nhiều lợi ích về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút FDI, tác động cải cách thể chế của mỗi nước thành viên.

Thống kê của Ban Thư ký APEC quốc tế cho biết, tính đến năm 2016, trên thế giới có hơn 150 FTAs, trong đó ít nhất một thành viên APEC đã đi vào hiệu lực; gần 60 RTAs/FTAs đã được ký và thực thi giữa nội bộ các thành viên APEC với nhau.

Nhờ tác động của các FTAs, giao dịch thương mại nội khối của APEC đã tăng trưởng 274%, từ 2,3 nghìn tỷ USD lên 6,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2000-2016.


Theo chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)