Bộ Xây dựng trả lời cử tri Quảng Nam và TP.HCM

Thursday, 12/03/2009 00:00
Acronyms View with font size
Bộ Xây dựng nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII do Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển trong Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XII.
Tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam hỏi:“Cử tri nhiều địa phương phản ánh: Tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; các công trình xây dựng thường kéo dài; không đảm bảo tiến độ thi công, hiện tượng tiêu cực phát sinh nhiều trong xây dựng cơ bản. Đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra, có giải pháp khắc phục”. 

Vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau: Trong những năm qua, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, số vốn dành cho xây dựng cơ bản luôn được ưu tiên, chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu nhập quốc nội. Nhà nước đã đầu tư vốn cho nhiều dự án lớn như Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, cầu Thanh Trì... Bên cạnh những thành tựu to lớn thì thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Chống thất thoát vốn xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư đã trở thành quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Chính phủ đã khẳng định chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để các ngành, các địa phương thực hiện.

Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh BĐS; VLXD; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Trong những năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được Chính phủ giao. Hệ thống thể chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng ngày càng được hoàn thiện; đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn thi hành; ban hành theo thẩm quyền các Thông tư hướng dẫn và công bố gần 10.000 định mức kinh tế kỹ thuật tổng hợp của ngành Xây dựng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xây dựng và các chủ thể tham gia hoạt động ngày càng được tăng cường và phát huy có hiệu quả; công tác cải cách hành chính trong ngành Xây dựng được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, rà soát đơn giản hóa hoặc loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; thường xuyên sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật...

Bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, trong những năm vừa qua, hiện tượng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng đang diễn ra phức tạp, gây nên những thất thoát tài sản nhà nước, làm cho kỷ cương, pháp luật không được chấp hành nghiêm túc. Trên thực tế, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng chưa cao, còn xảy ra thất thoát, lãng phí, một vài  vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là d

- Về cơ chế chính sách: việc ban hành các Luật có liên quan với nhau như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Ngân sách nhà nước còn chậm được ban hành, chưa đi sát với thực tế và có những yếu tố chưa đồng bộ, bất cập, gây xung đột pháp luật, việc ban hành nghị định hướng dẫn Luật còn chậm.

- Năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư đặc biệt là nhà thầu tư vấn còn nhiều hạn chế: nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ ở quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu và ở các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao nên gây ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Biện pháp phân cấp về nguồn vốn cho các địa phương còn lúng túng và dàn trải, quản lý nhà nước với các dự án đầu tư xây dựng của các địa phương còn tình trạng chồng chéo.

- Kế hoạch, quy hoạch, xây dựng chiến lược và dự báo cho việc đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập.

- Việc phối kết hợp giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và giữa các ngành trong việc quản lý, sử dụng và giám sát nguồn vốn đầu tư xây dựng còn chưa cao.

- Cơ chế giám sát chưa rõ ràng và chưa quy định cụ thể các chế tài xử phạt các hình thức vi phạm trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng.

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Đề án về chiến lược phòng, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Xây dựng đồng bộ hệ thống các thể chế quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật NSNN, tuy nhiên cần phải tăng cường quản lý, rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi kịp thời, phù hợp với tiến trình phát triển.

Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng như: lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án đầu tư; phê duyệt quyết toán; cấp phép xây dựng ...

Thứ hai: Thực hiện nghiêm chỉnh quá trình lập và thực hiện dự án. Trong quá trình lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bên cạnh việc nghiên cứu toàn bộ hệ thống các yếu tố về thể chế, luật pháp, các quy định của Nhà nước, các chính sách của Chính phủ liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, các cơ quan nhà nước thực hiện việc quản lý cũng cần thực hiện kiểm tra các căn cứ pháp lý cụ thể liên quan đến hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng như: các chứng cứ pháp lý về tư cách pháp nhân của tổ chức tham gia dự án, các văn bản giao nhiệm vụ cho phép nghiên cứu dự án của cơ quan quản lý nhà nước, các chứng từ pháp lý về khả năng huy động vốn và năng lực kinh doanh của chủ đầu tư, các thoả thuận về việc sử dụng tài nguyên, đất đai, huy động tài sản...

Thứ ba: Chấn chỉnh các khâu từ quy hoạch, xây dựng chiến lược đầu tư đến việc quản lý các nguồn vốn đầu tư xây dựng. Cần xây dựng bộ máy làm kế hoạch, quản lý tài chính, đặc biệt là việc quyết toán các công trình xây dựng. Thực hiện đầy đủ các bước của dự án từ việc chọn dự án, đấu thầu, thẩm định, thực hiện dự án.

Công khai các quy trình thủ tục, thời hạn, trách nhiệm trong từng khâu của quá trình triển khai dự án. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước..., các Bộ chủ quản trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng; kịp thời xử lý các vi phạm, thực hiện tốt chức năng giám sát đối với các dự án, đánh giá hiệu quả thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án.

Xây dựng các tiêu chí cần công khai hóa trong lĩnh vực mua sắm thiết bị đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn nhà nước; công khai các số liệu, tài liệu về quy hoạch xây dựng.

Thứ tư: Nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự án.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” đối với việc kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng.

Kiểm toán nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động trong công tác thẩm định dự án, đánh giá, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết xuất toán các khoản chi sai mục đích, không đúng khối lượng, đơn giá, không đúng tiêu chuẩn định mức, dự toán...

Tăng cường quản lý công sản của các ban quản lý dự án. Thực hiện chế độ trách nhiệm vật chất, trách nhiệm pháp lý đối với các nhà thầu, tư vấn giám sát trọng việc xác định khối lượng khi thanh, quyết toán.

Thứ năm: Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và phân cấp cho địa phương trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội ban hành luật, cơ quan của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật với các địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng.

Quy định chế độ báo cáo, chế độ trách nhiệm, các chế tài cần thiết xử lý các vi phạm đối với việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng.

Kiến nghị kịp thời đối với cơ quan QLNN để tăng cường quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.

Nhà nước thực hiện việc quản lý chặt chẽ đối với các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NS nhà nước từ khâu lập, đấu thầu, thực hiện, thẩm định, thanh tra, kiểm tra là rất cần thiết nó giúp cho các cơ quan QLNN đánh giá được tính hợp lý của các dự án đầu tư xây dựng từ góc độ hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp cho các chủ đầu tư lựa chọn được phương án đầu tư tốt nhất theo quan điểm  hiệu quả và mang tính khả thi, giúp cho các cơ quan quản lý nguồn vốn xây dựng ra các quyết định đầu tư chính xác và tránh sự tham ô, lãng phí gây thất thoát, xác định rõ tính chất của các dự án, giúp cho người dân hiểu rõ cái lợi, cái hại của các dự án trên các mặt kinh tế - xã hội và họ cùng tham gia giám sát, quản lý các dự án đầu tư xây dựng.

Thứ sáu: Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.

Rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình để đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức, từ đó mạnh dạn sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ bảo đảm hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời có kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về hoạt động xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý xây dựng tại các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng; tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

(Để hạn chế việc gây thất thoát, lãng phí và phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng, năm 2008, Bộ Xây dựng đã tham gia và đang triển khai chương trình khoa học hợp tác quốc tế về “Sáng kiến minh bạch trong hoạt động xây dựng - COST”).

Trên đây là các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước để khắc phục những yếu kém, sơ hở trong lĩnh vực đầu tư xây dựng mà Chính phủ nói chung, Bộ Xây dựng nói riêng đã và đang triển khai thực hiện.

Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng

Đại biểu Quốc hội TP.HCM hỏi:“Cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 23/2009/NĐ- CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng”.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/07/2009 Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/07/2009 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2009.

Bộ Xây dựng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri các tỉnh Quảng Nam và TP.HCM với ngành Xây dựng và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp quý báu của cử tri trong thời gian tới.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)