Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu bảo tồn tôn tạo và khai thác giá trị di tích khu Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội

Thursday, 11/05/2009 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 5/11/2009, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành – Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn tôn tạo và khai thác giá trị di tích khu Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội” do TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn – Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.

Năm 2003, khi những kết quả khảo cổ học tại khu vực khai quật Ba Đình  được công bố để tiến tới việc xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (Mới), thì những vấn đề về bảo tồn di tích Hoàng Thành thực sự trở nên nóng bỏng và đòi hỏi những phương án khả thi cấp thiết để cứu di tích. Gần 14.000m2 được khai quật đã đánh thức và làm thay đổi một số quan niệm trong lĩnh vực sử học về thăng long trong lịch sử. Mặc dù, rất nhiều Hội thảo khoa học toàn quốc về đánh giá và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hoàng Thành Thăng Long (HTTL), nhưng đến nay vẫn chưa có 1 nghiên cứu đánh giá tổng hợp nhất về kiến trúc và các thành phần kiến trúc cũng như các trang trí mỹ thuật. Vì thế, nội dung của đề tài này nhằm nghiên cứu và đánh giá những vấn đề nói trên. Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu còn đưa ra phương án giải pháp bảo tồn, tôn tạo những di tích có giá trị, khai thác cũng như quản lý trên lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch. 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS.KTS Vũ Đình Thành đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đề tài. Với tổng dài 143 trang, đề tài nghiên cứu chia làm 4 phần, bố cục nội dung chia làm 3 chương.

Đối chiếu bản đồ Hà Nội hiện nay với bản đồ Hà Nội thời Nguyễn trước đây, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra ranh giới HTTL trên mặt bằng hiện trạng được xác định nằm trong giới hạn các đường: Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng; Phía Nam giáp đường Trần Phú; Phía Đông giáp đường Lý Nam Đế; Phía Tây giáp đường Lê Hồng Phong. Trong đó, khu vực Trung tâm Thành cổ Hà Nội đã được tiến hành khảo sát thực địa để đánh giá hiện trạng và tình hình quản lý, sử dụng di tích, gồm có 5 địa điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo hướng từ Bắc xuống Nam là: cửa Bắc (Chính Bắc Môn), Hậu Lâu, nền và thềm Điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cột cờ (Kỳ Đài).

Thông qua hệ thống mặt bằng kiến trúc của di tích bao gồm nền nhà, chân tảng đá, trụ móng, giếng nước… có thể bước đầu nhận diện về quy mô và diện mạo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long. Kết quả khảo cổ cũng cho thấy có nhiều sáng tạo trong xử lý nền móng như: gia cố trụ móng bằng sỏi, đất, gạch trên nền đất yếu. Kỹ thuật xây dựng giếng, vỉa nền, sản xuất vật liệu, gạch, ngói… là những kinh nghiệm dân gian quý báu có thể khai thác khi phục chế, tu bổ, tôn tạo công trình cổ. Với tất cả các giá trị đó, khu di tích HTTL đạt tầm cỡ Di sản Quốc gia đặc biệt và hội tụ đủ tiêu chí để được đáng giá là Di sản Văn hóa thế giới.

Do các thành phần kiến trúc nằm trong ranh giới của HTTL trên mặt bằng hiện trạng ngày nay thuộc các thể loại khác nhau. Nên cần căn cứ theo đặc điểm từng khu vực để đề xuất bảo tồn cụ thể và chi tiết, nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên hiện trạng mạng lưới giao thông, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, công trình xây dựng thời pháp và các di tích, di vật khảo cổ học, hạn chế mật độ xây dựng, hạn chế tối đa số lượng nhà dân trong khu vực này, quy định đối với màu sắc, quy mô, tầng cao và vật liệu hoàn thiện cho các công trình đảm bảo yếu tố hài hòa cho tổng thể khu vực.

Việc bảo tồn khu di tích Hoàng Thành không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, phổ biến kiến thức cho người dân về di sản mà còn tạo sức hút lớn về du lịch cho thành phố Hà Nội và Việt Nam nói chung. Phát triển hệ thống di sản Hoàng Thành sẽ góp phần quan trọng đưa Hà Nội vào danh sách điểm đến trên thế giới. Đây là nhân tố ảnh hưởng lớn trong việc khuyến khích ngành du lịch trong nước đi lên theo hướng chuyên nghiệp và thu hút được nhiều lợi ích từ bên ngoài.

Với kết quả thu được, đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá./.

 

Bích Ngọc

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)