Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2017 của thành phố Hà Nội xác định 3 mục tiêu lớn là thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" nhằm tạo đột phá về kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế; phấn đấu chỉ số CCHC của Thành phố năm 2017 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Trên cơ sở kế hoạch CCHC của Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch CCHC của cơ quan, địa phương mình.
Trong đó có công tác tổ chức bộ máy, biên chế, xây dựng đề án việc làm, tinh giản biên chế, do Sở Nội vụ là cơ quan thường trực đã triển khai thực hiện.
Sắp xếp lại các Sở, Ban Quản lý
Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của 22 sở, cơ quan ngang Sở, sau sắp xếp giảm 46 phòng (từ 204 phòng xuống 158 phòng), giảm ít hơn so với quy định tại Thông tư liên tịch 06 phòng; giảm 26 Trưởng phòng, 116 Phó Trưởng phòng; số Trưởng, Phó Trưởng phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp.
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm 121 đơn vị (từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị). Đối với các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố thành 05 Ban Quản lý dự án chuyên ngành thuộc Thành phố, 03 Ban Quản lý dự án duy tu trực thuộc Sở, 03 Ban Quản lý dự án giữ nguyên theo đặc thù và 30 Ban Quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã (giảm từ 70 đơn vị xuống 41 đơn vị, giảm 29 đơn vị). Hoàn thành sáp nhập 03 Quỹ (Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Quỹ Phát triển đất Thành phố và Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thành 01 Quỹ để tập trung các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.
UBND Thành phố Hà Nội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội triển khai thí điểm thực hiện đối với các phương án sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm Phát triển quỹ đất, giao UBND cấp huyện quản lý. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao UBND thành phố Hà Nội làm thí điểm thực hiện theo đề xuất.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định thành lập 26 Trung tâm Phát triển quỹ đất quận, huyện, thị xã (trừ các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); chuyển giao Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã về trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý và đổi tên thành Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã (hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu).
Sáu tháng đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội cũng đã xem xét đề nghị của Sở Nội vụ quyết định thành lập, sáp nhập, tổ chức lại 25 đơn vị trực thuộc sở và cơ quan ngang Sở; cho phép, chấp thuận thành lập 02 đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của 09 đơn vị; kiện toàn tổ chức bộ máy 01 đơn vị; ban hành mẫu Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, Văn phòng HĐND và UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội; chuyển đổi loại hình 01 đơn vị chuyển chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về giáo dục nghề và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm) do Sở Giáo dục và Đào tạo đang quản lý sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (05 trường cao đẳng công lập trực thuộc UBND Thành phố, 05 trường trung cấp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; 05 trường cao đẳng ngoài công lập, 40 trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập).
Hoàn thiện Đề án vị trí việc làm
Sau khi rà soát danh mục vị trí việc làm, UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh giảm 01, bổ sung 03 vị trí việc làm, cụ thể như sau:
Giảm vị trí việc làm 50 (công tác đại biểu Quốc hội), do thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chuyển về trực thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng HĐND Thành phố không còn chức năng tham mưu về công tác đại biểu Quốc hội;
Bổ sung vị trí việc làm số 278 (theo dõi thực hiện chính sách dân tộc), vị trí việc làm số 279 (Thông tin tuyên truyền về chính sách dân tộc) cho UBND huyện Ba Vì (có phòng Dân tộc) và UBND các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức (có chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc); vị trí việc làm số 289 (quản lý Kế hoạch - Tài chính) cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trên cơ sở hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức hành chính, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm khối hành chính thuộc UBND quận, huyện, thị xã và các sở, cơ quan ngang sở. Đối với các đơn vị sự nghiệp, Sở Nội vụ tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm khối Giáo dục và Đào tạo, Y tế, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (công trình dân dụng và công nghiệp; công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; công trình giao thông; công trình văn hóa - xã hội; công trình cấp nước, thoát nước và môi trường), bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ thời gian quy định.
UBND thành phố Hà Nội hiện đang báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế 04 đợt theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ cho 270 người được nghỉ tinh giản biên chế, gồm 259 đối tượng về hưu trước tuổi (58 công chức hành chính, 184 viên chức các đơn vị sự nghiệp, 17 cán bộ, công chức cấp xã); 11 đối tượng thôi việc ngay (02 công chức, 07 viên chức các đơn vị sự nghiệp, 02 cán bộ, công chức cấp xã).
Kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập nếu hoạt động kém hiệu quả
Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ này, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố. Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức cá nhân. Thực hiện công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ của từng cơ quan, đơn vị, quy trình giải quyết công việc với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đặc biệt, để kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp bảo đảm hợp lý, hiệu quả, kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập những đơn vị đã hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ hoặc hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng phát triển; quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố. Phân loại các đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tập trung chỉ đạo sát sao, thường xuyên, kịp thời, tăng cường phối hợp để hoàn thành Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố giai đoạn 2016-2020 đúng tiến độ, đạt chất lượng.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục để hoàn thành Đề án cơ cấu, vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm theo danh mục vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Đẩy mạnh và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; tiếp tục nghiên cứu chế độ đặc thù của Thành phố khuyến khích các đối tượng tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.
Theo chinhphu.vn