Hà Nội: Nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử

Thursday, 01/12/2017 14:50
Acronyms View with font size
Xây dựng Chính phủ điện tử là một phần trong chiến lược cải cách TTHC, hướng tới nâng cao hiệu của hoạt động của các cấp chính quyền, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Xác định rõ tầm quan trọng, thành phố Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng thành công Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân.

Hiệu quả, thiết thực

Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của Hà Nội vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng… đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hà Nội đã thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố qua hệ thống trục liên thông; 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Thành phố đã triển khai cổng dịch vụ công trực truyến (http://egov.hanoi.gov.vn/). Đây là địa chỉ tích hợp duy nhất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của toàn thành phố và là kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC. Cùng với đó, hoàn thành việc triển khai khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, dịch vụ công mức độ 3, trước mắt thực hiện đối với một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp.

Việc ứng dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung, thành phố đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số 132 dịch vụ công của 10 lĩnh vực và tiếp tục triển khai nhân rộng. Trong năm qua, thành phố đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tiến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017 được ứng dụng tại 2.620 đơn vị trường học với hơn 250.000 gia đình học sinh tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng đạt 84,87% đối với mầm non, đạt 51,11% với tuyển sinh hợp 1 và 58,18% tuyển sinh lớp 6. Thành phố đang tập trung triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, đã có 808/860 đơn vị cập nhật được 540.642/584.404 học sinh, cấp 34.103/34.036 tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị. Đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt trung bình trên 50%; việc giám định bảo hiểm y tế, sau 3 tháng triển khai, đến nay, đã có 559/711 đơn vị tham gia vào hệ thống với 1.201.232 hồ sơ giám định được gửi qua hệ thống; ứng dụng CNTT trong công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng, sau gần 4 tháng triển khai thực hiện đã có 3.292 hồ sơ được thực hiện trên hệ thống.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác có tỷ lệ giao dịch trực tuyến của thành phố được nâng cao như: Cấp lý lịch tư pháp qua mạng, đến nay đã đạt tỷ lệ 10%; cấp giấy phép lái xe đạt tỷ lệ 6%; giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ 72,48%/tổng số đơn vị sử dụng lao động, trong đó, đối với doanh nghiệp có trên 10 lao động, thì tỷ lệ đã đạt 96,91%. Thành phố đã thực hiện khá tốt triển khai hệ thống giao thông thông minh, bảo đảm cơ sở hạ tầng CNTT, an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực… Những kết quả tích cực đó phản ánh lỗ lực, sự quan tâm đầu tư, chiến lược phát triển nhạy bén của Hà Nội trong kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử.

Đột phá về công nghệ thông tin


Phát huy kết quả đạt được, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Hà Nội xác định năm 2017 là năm đột phá về CNTT. Trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử được phê duyệt, Hà Nội chú trọng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nâng cấp và mở rộng hệ thống hạ tầng máy chủ, hệ thống mạng diện rộng theo mô hình tập trung, đồng bộ và đảm bảo các trang thiết bị đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng; xây dựng, cập nhật, khai thác các cơ sở dữ liệu cốt lõi và các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác quản lý điều hành cung cấp dịch vụ công cho công dân, doanh nghiệp theo hình thức thuê dịch vụ; đào tạo, bồi dường nguồn nhân lực ứng dụng CNTT; bảo đảm an toàn thông tin đối với các ứng dụng. Trong đó, ưu tiên xây dựng, cập nhật và khai thác chia sẻ các cở dữ liệu cốt lõi như: Triển khai số hóa, xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu cốt lõi để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý của thành phố...

Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả ứng dụng hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến (http://egov.hanoi.gov.vn/). Nâng cao tỷ lệ sử dụng trực tuyến của người dân khi thực hiện các TTHC với cơ quan nhà nước đối với những dịch vụ công mức độ 3 đã được triển khai đưa vào sử dụng. Cung cấp các tiện ích, ứng dụng trên di động phục vụ công dân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Năm 2017, triển khai mới các dịch vụ công để đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu 40% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thực hiện hiệu quả tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2017 - 2018, hệ thống sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và phát triển một số ứng dụng khác. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính của thành phố. Trên lĩnh vực quản lý đô thị, giao thông triển khai hệ thống thông tin quy hoạch, quản lý hệ thống cây xanh, cung cấp thông tin quan trắc môi trường, lượng mưa, không khí, bản đồ úng ngập; kiểm soát, hạn chế ôtô đi vào nội đô, giờ cao điểm, quản lý cung cấp dịch vụ, cấp giấy phép liên quan đến ngành, bãi đỗ xe thông minh và một số ứng dụng khác của hệ thống giao thông thông minh… Lĩnh vực văn hóa, y tế triển khai thực hiện quản lý di tích, thông tin vận động viên; quản lý khám chữa bệnh, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, an toàn thực phẩm… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của thành phố.

Từ những động thái, hành động quyết liệt trên đã thể hiện sự quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, hướng tới môi trường làm việc minh bạch, thông thoáng, hiện đại.


Theo Hà Nội portal

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)