Xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cần song hành với hệ thống đấu nối hộ gia đình

Friday, 11/15/2019 15:33
Acronyms View with font size
Ngày 13/11/2019 tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo về sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải song hành với hệ thống đấu nối hộ gia đình. Đại diện cho Bộ Xây dựng, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo

Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cho biết, Hội thảo này là một trong những hoạt động thuộc chương trình hỗ trợ hợp tác và chuyển giao kỹ thuật giữa JICA và Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng thông qua Dự án tăng cường năng lực - Thành lập trung tâm đào tạo và phát triển thoát nước Việt Nam (VSC).

Hiện nay, phạm vi bao phủ dịch vụ thoát nước ở các đô thị Việt Nam ngày càng tăng, cùng với đó là số lượng các nhà máy xử lý nước thải cũng tăng lên. Tuy nhiên, do công tác đấu nối không tốt, đặc biệt là đấu nối hộ gia đình, nên nhiều nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng xong không phát huy được công suất, thậm chí không có nước thải để xử lý, gây lãng phí vốn đầu tư. Thông qua Hội thảo này, những địa phương làm tốt công tác đấu nối hộ gia đình như Bình Dương, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt và các nhà chuyên môn, cũng như các chuyên gia quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm về công tác đấu nối, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, khuyến khích thực hiện tốt việc đấu nối hộ gia đình, góp phần  cho công tác cải tạo và bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật tại Hội thảo, quy định về đấu nối của cá nhân, tổ chức vào hệ thống thoát nước đã được thể hiện tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ. Theo quy định của pháp luật, tất cả các hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư đường ống thoát nước trong phạm vi khuôn viên phần đất của mình và đấu nối vào hộp đấu nối (nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước, đặt trên phần đất công sát ranh giới với đất tư của mỗi hộ thoát nước); việc đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống thoát nước trong khuôn viên công trình, nhà ở của hộ thoát nước phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu trong các nội dung về quy định đấu nối và thỏa thuận đấu nối; Chủ sở hữu hệ thống thoát nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bao gồm mạng lưới thu gom và chuyển tải từ hộp đấu nối đến cống cấp 3, cấp 2 và cấp 1. Cùng với đó, Nghị định cũng quy định các đối tượng, các phương thức hỗ trợ đấu nối.

Là địa phương thực hiện tốt công tác đấu nối nước thải sinh hoạt hộ gia đình, tỉnh Bình Dương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Hội thảo. Trong đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chi phí đấu nối, thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân có vai trò quan trọng: sự chỉ đạo từ trên xuống dưới, sự tham gia tuyên truyền của các ban ngành và cả hệ thống chính trị: tham gia họp dân ở phường, khu phố để tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền với chương trình giáo dục phổ thông..
 

Các đại biểu dự Hội thảo

Theo kinh nghiệm của thành phố Buôn Ma Thuột, nhận thức được tầm quan trọng cũng như rủi ro của việc đấu nối hộ dân đối với sự thành công của dự án thoát nước, trong giai đoạn 1 của dự án, thành phố đã lập kế hoạch thực hiện đấu nối hộ dân từ năm 2001, mặc dù việc thực hiện đấu nối chỉ bắt đầu vào cuối năm 2005. Giai đoạn 2 của dự án thực hiện tuyên truyền công tác đấu nối từ 2008 mặc dù đến 2018 mới thực hiện đấu nối. Việc thực hiện tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: họp cấp phường, họp tổ dân phố, đăng tải tài liệu tại trụ sở phường, tổ dân phố, phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa, đài, báo chí và thông qua việc cấp giấy phép xây dựng.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, chuyên gia của JCA đã giới thiệu về quy trình và các thức thực hiện đấu nối hộ dân ở Nhật Bản. Theo đó, Luật Thoát nước thải Nhật Bản quy định việc đấu nối hộ dân là bắt buộc, chủ hộ có nghĩa vụ thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống chung, và công trình đường ống thoát nước hộ dân được thiết kế và thi công bởi doanh nghiệp đấu nối được cấp phép theo Luật và doanh nghiệp đó phải cử tối thiểu 01 kỹ sư chính có chuyên môn để chịu trách nhiệm về công tác đấu nối hộ dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đi đến thống nhất về vai trò quan trọng của việc đấu nối hộ dân trong các dự án thoát nước, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp về việc tiếp tục thể chế hóa quy định đấu nối trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân trong việc thực hiện đấu nối.


Minh Tuấn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)