Đồng Nai: Đưa nước sạch về nông thôn

Tuesday, 10/11/2016 13:52
Acronyms View with font size
Đồng Nai đang tập trung thực hiện đề án “Cấp nước sạch nông thôn” với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đã qua xử lý đạt chuẩn của Bộ Y tế là 80%.

Người dân tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Đề án được triển khai từ đầu năm 2016 nhưng đến nay toàn tỉnh có 99,7% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 57,7% được sử dụng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế, đặc biệt là 100% trường học, trạm y tế đều được sử dụng nước sạch. Nguồn vốn đầu tư cho nước sạch nông thôn khá lớn, do đó tỉnh chọn giải pháp mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng xã hội hóa.

Ưu tiên nước sạch cho vùng sâu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến tháng 9-2016 toàn tỉnh có thêm 5 dự án cấp nước (chủ yếu tập trung cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa) đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng với tổng công suất gần 2 ngàn m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho hơn 18,5 ngàn người. Cụ thể, trong 5 dự án đã có 3 dự án cấp nước sinh hoạt thuộc huyện Định Quán, gồm: phía Nam thị trấn Định Quán, ấp 5 (xã Suối Nho) và xã Phú Túc. Đây đều là những địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước sinh hoạt nhiều năm qua, nhất là vào mùa khô. Cũng nhờ 3 dự án nước sạch được đầu tư mới mà 40% hộ dân của huyện Định Quán được sử dụng nước sạch theo chuẩn quốc gia, tăng gấp đôi so với trước. Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết: “Địa phương cũng rất quan tâm kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Tín hiệu đáng mừng là vừa qua có DN đặt vấn đề đầu tư dự án khoảng 70 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân của 3 xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định. Nếu dự án này được thực hiện thì sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn vùng núi này”

Tại buổi làm việc về đề án nước sạch nông thôn diễn ra vào cuối tháng 9-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai nhanh đề án trên tinh thần là ưu tiên phục vụ nước cho sinh hoạt trước mới đến phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN để huy động tốt nhất nguồn xã hội hóa tham gia đề án.

Dự tính từ nay đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có thêm 6 dự án cấp nước sạch được khởi công xây dựng với tổng công suất trên 4,6 ngàn m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho gần 41 ngàn người. Các dự án trên đều ưu tiên cho những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Tân Phú, Xuân Lộc và Định Quán. Ngoài ra, 19 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến cung cấp nước sạch cho hàng trăm ngàn người dân.

Thu hút doanh nghiệp

Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai (Dowaco) vừa khởi công dự án hệ thống cấp nước Vĩnh Cửu. Đây là dự án lớn của DN có tổng công suất 15 ngàn m3 với vốn đầu tư là 117 tỷ đồng. Dự kiến, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017. Hệ thống cấp nước Vĩnh Cửu sẽ cung cấp nước sạch cho dân cư tại các xã: Thiện Tân, Thạnh Phú, Bình Lợi, Bình Hòa, Tân An với công suất 10 ngàn m3/ngày đêm và cung cấp cho Khu công nghiệp Thạnh Phú 5 ngàn m3/ngày đêm.

Theo ông Vũ Văn Học, Chủ tịch HĐQT Dowaco: “Đây không phải là dự án lớn nhất của Dowaco nhưng đơn vị đã cố gắng bố trí nguồn vốn để đầu tư dự án này với mục tiêu góp phần thực hiện an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất và cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực”. Hiện nay, các dự án đầu tư nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn ngày càng thu hút các DN. Cụ thể, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Ka Long (TP.Hồ Chí Minh) đang lập hồ sơ đầu tư dự án cấp nước sạch cho xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Công ty cổ phần công nghệ nước sạch và môi trường Team CTC Việt Nam (TP.Biên Hòa) dự kiến đầu tư hệ thống cấp nước tập trung liên xã Lâm San - Sông Ray - Xuân Đông - Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) với tổng vốn khoảng 120 tỷ đồng...

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Nai, tính đến cuối tháng 9 năm nay, toàn tỉnh có 9 dự án do các DN đăng ký tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến trên 935 tỷ đồng. Trong đó, các DN rất quan tâm đầu tư cho các huyện vùng sâu, miền núi, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ.


Theo báo Đồng Nai

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)