Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Tuesday, 09/06/2016 14:30
Acronyms View with font size
Là huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn, huyện Mê Linh đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm cải cách hành chính, phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn còn nhiều hạn chế. 

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" huyện Mê Linh.

Nỗ lực phục vụ nhân dân

Nằm trong khu Trung tâm Hành chính huyện, bộ phận “Một cửa” của huyện Mê Linh khang trang, hiện đại, có hệ thống điều hòa không khí, phát số thứ tự tự động, bảng thông tin điện tử... Trong phòng niêm yết đầy đủ và công khai các nội quy, quy chế, lệ phí, tài liệu... phục vụ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, tại đây còn bố trí cán bộ, nhân viên bảo vệ để giải đáp những thắc mắc của công dân. Anh Nguyễn Minh Châu (ở xã Nội Đồng) khi đến làm thủ tục đăng ký thế chấp đất đai tại bộ phận một cửa cho biết: "Thời gian gần đây, tôi thấy việc giải quyết các thủ tục hành chính của huyện đã thay đổi rất nhiều. Người dân được các cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, với thái độ nhã nhặn. Thủ tục, giấy tờ cũng đơn giản, nhanh gọn hơn, việc đăng ký thế chấp chỉ mất ba ngày là xong".

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong hai nhiệm kỳ (2010-2015) và nhiệm kỳ (2015-2020) đều xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, chỉ đạo quyết liệt. Để tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, UBND huyện đã ban hành quy chế phối hợp công bố, công khai thủ tục hành chính; ban hành kế hoạch tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC. UBND huyện đã đề xuất UBND thành phố hủy bỏ năm thủ tục hành chính không còn phù hợp, như: Thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh, xác định lại giới tính, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập... Bảy tháng đầu năm 2016, huyện đã tiếp nhận giải quyết gần 52 nghìn hồ sơ hành chính, trong đó tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt 99,6%. Huyện đẩy mạnh đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo giai đoạn 2011 - 2016”. Từ đầu năm 2015 đến nay, tại huyện cơ bản không có vụ việc nóng, phức tạp, giữ được tình hình ổn định trong nhân dân...

Tại 16 xã và hai thị trấn của huyện cũng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công khai các thủ tục hành chính một cách đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp nhận, dễ khai thác. Cán bộ, công chức bộ phận một cửa đã tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân đúng quy định, thái độ phục vụ tận tình. UBND xã Thanh Lâm đã công khai số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử, hòm thư, sổ góp ý tại bộ phận một cửa để tiếp nhận những phản ánh của người dân. UBND xã Mê Linh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đúng hạn, tạo được niềm tin trong nhân dân...

Tạo thói quen sử dụng CNTT cho người dân

Tuy nhiên, công tác CCHC ở Mê Linh đang gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ CCHC của một số cấp ủy Đảng chưa quyết liệt, chưa kịp thời khắc phục khuyết điểm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa được thực hiện thường xuyên ở một số đơn vị, cơ quan. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vướng mắc, tham mưu biện pháp tháo gỡ; chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế. Tại Mê Linh có 302 thủ tục hành chính cấp huyện, nhưng chỉ có hai thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tỷ lệ sử dụng máy tính của cán bộ, công chức cấp xã mới đạt 70%. Đại diện lãnh đạo xã Mê Linh cho biết, hầu hết các lãnh đạo xã đều lớn tuổi, hạn chế về trình độ tin học. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, ít người sử dụng máy tính thông thạo. Chị Đỗ Thị Phượng, cán bộ bộ phận một cửa huyện Mê Linh chia sẻ, người dân ở đây vẫn có thói quen đến làm việc trực tiếp, ngại sử dụng máy tính. Với nhiều người lớn tuổi, cán bộ phải trực tiếp hướng dẫn cách khai, thậm chí phải khai mẫu cho người dân làm theo mới bảo đảm chính xác. Bên cạnh đó, nhiều trụ sở xã xây dựng đã lâu, bộ phận một cửa chật chội, chưa đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất… Tại cuộc kiểm tra công tác CCHC ở huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, huyện Mê Linh tích cực thực hiện những công việc mà thành phố đang triển khai như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; liên thông giải quyết thủ tục hành chính... Để đạt kết quả trong công tác này, huyện cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hình thành thói quen sử dụng CNTT trong thực hiện các thủ tục hành chính. Huyện có thể chọn những khu vực trung tâm để làm điểm nhằm lan tỏa ra các khu vực khác. Bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị cho bộ phận một cửa, đặt thêm các máy tính để cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân, kết nối mạng tại một số điểm bưu điện văn hóa xã để người dân sử dụng… Đồng thời, huyện tăng cường tập huấn, trang bị kiến thức một cách bài bản cho đội ngũ cán bộ, công chức các phòng ban, các cấp về CCHC, ứng dụng CNTT, dần dần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn.


Theo báo Nhân dân điện tử

 

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)