Ngày định cư thế giới

Tuesday, 10/05/2010 00:00
Acronyms View with font size
Liên Hợp Quốc đã chọn ngày Thứ hai đầu tiên của tháng 10hàng năm là “Ngày Định cư thế giới” để phản ánh hiện trạng ở các đô thịvà quyền cơ bản của con người là có một nơi cư trú an toàn.
Chủ đề được lựa chọn năm nay là “Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”, nhấn mạnh tầm nhìn về một thế giới đô thị bền vững, nơi khai thác các tiềm năng và khả năng, giảm thiểu sự bất bình đẳng, và có thể cung cấp nhà ở cho tất cả mọi người. Hội thảo quốc tế “Hà Nội thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai” sẽ diễn ra vào ngày 12-13/10/2010 tại Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa - Đại Học Hawaii và Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) phối thợp thực hiện là hành động thiết thực để chào mừng Ngày Định cư thế giới.

Theo “Báo cáo về hiện trạng các thành phố Châu Á 2010” của UN-HABITAT thì tỉ lệ đô thị hóa trong khu vực Châu Á đang ở mức 42,2%. Và với tốc độ đô thị hóa nhanh, đến năm 2025, Châu Á ước tính sẽ có hơn 50% dân số sinh sống ở thành thị, và các xu hướng cho thấy con số này sẽ tăng lên hai phần ba dân số thế giới trong vòng hai thế hệ tiếp theo.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay là 30,4% với dân số đô thị chiếm khoảng 27 triệu người và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2040. Với tốc độ tăng GDP tại các khu vực đô thị khoảng 12,6% và đóng góp gần 70% trong tổng GDP quốc gia, các đô thị Việt Nam đang đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho cuộc sống đô thị:
- Dân số đô thị tăng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 3% đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thành phố và tăng thêm gánh nặng trong việc cung cấp nhà ở cho người dân. Do các dự án nhà ở mới thường tập trung vào nhóm dân cư có thu nhập cao, nên tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế khác nhau vẫn đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. Trên 30% các hộ gia đình ở có diện tích nhà ở dưới 36 m2, chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố và 19% sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững được làm từ các nguyên vật liệu rẻ tiền. Theo đánh giá chung có khoảng 15 – 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở.
- Sự bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn cũng như giữa các nhóm khác nhau trong đô thị
- Công nghiệp hóa, sự bùng nổ các hoạt động xây dựng cùng sự gia tăng đáng kể của các phương tiện giao thông cơ giới đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và di sản văn hóa đô thị
- Tốc độ đô thị hóa cao nhưng không đi kèm với quy hoạch đô thị bền vững dẫn đến những hệ lụy, như việc chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp và ao hồ thành đất xây dựng đô thị ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực.cũng như khả năng chống chịu của đô thị với biến đổi khí hậu.
Trước những thách thức của vấn đề đô thị hóa, sự ra đời của những “Thành phố thông minh” là rất cần thiết vì chỉ có thành phố thông minh mới có thể mang đến cho cư dân của mình cuộc sống tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên đô thị mới này.

Theo bà Inga Bjork-Klevby, Phó giám đốc điều hành UN-HABITAT thì “ Chúng ta có trong tay tất cả các công cụ như nền tảng khoa học vững chắc giúp giảm nhẹ tác động của những vấn đề trên. Chúng ta cũng có các công cụ và kiến thức để quản trị hiệu quả, giáo dục tốt, để mang đến dịch vụ y tế, vệ sinh cho tất cả mọi người, và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chúng ta sáng suốt, nhưng chúng ta cần phải sáng suốt hơn. Và “Ngày Định cư thế giới” năm 2010 là dịp để nhấn mạnh năm bước chiến lược có thể thực hiện:

1. Cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt cho khoảng 1 tỷ người vẫn đang phải sống trong khu ổ chuột và những khu nhà ở dưới tiêu chuẩn trên khắp thế giới. Tăng cường khả năng tiếp cận với chỗ ở an toàn và lành mạnh, quyền sở hữu nhà ở được đảm bảo, tiếp cận được các dịch vụ cơ bản và các tiện ích xã hội như y tế và giáo dục là cần thiết để mỗi cá nhân có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

2. Đầu tư vào con người. Đây là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, phân bổ công bằng hơn những lợi thế đô thị. Điều này cũng tạo điều kiện cho các thành phố và khu vực thực hiện các chính sách hiệu quả hơn và đảm bảo rằng các chính sách này được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu địa phương.

3. Khuyến khích những cơ hội kinh tế bền vững. Các thành phố có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững cho người nghèo thông qua các dự án sử dụng nhiều nhân lực, như những công trình công cộng và công nghiệp xây dựng. Các thành phố ở những nước đang phát triển đang bắt đầu cung cấp an sinh xã hội giúp những nhóm chịu thiệt thòi trong xã hội có thể tiếp cận tốt hơn với các cơ hội kinh tế.

4. Tăng cường sự tham gia. Ngày nay, càng có nhiều chính quyền ở cấp quốc gia và thành phố chia sẻ cùng một triết lý cơ bản, đó là: tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chính phủ với người dân. Điều này có nghĩa là khuyến khích cộng đồng tham gia đối thoại và tham gia vào quá trình ra quyết định, như một khía cạnh cơ bản của nền dân chủ địa phương.

5. Khuyến khích xem xét các yếu tố văn hóa. Yếu tố văn hóa thường không được lồng ghép trong các chương trình nghị sự phát triển quốc tế . Ngày càng có nhiều chính sách phát triển địa phương xem xét đến những khía cạnh văn hóa của cuộc sống đô thị, như nguồn vốn xã hội, truyền thống, các biểu tượng, hay tính địa phương và niềm tự hào địa phương. Việc này giúp các dân tộc thiểu số hội nhập, bảo tồn các giá trị của khu vực, bảo vệ ngôn ngữ và sự đa dạng tôn giáo, giải quyết xung đột và bảo vệ di sản.

Khi chúng ta bước vào một thế giới của những thành phố tươi đẹp với những chính sách phù hợp hơn, năm chiến lược trên là năm chất xúc tác cần thiết để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”
 
Theo : UN-HABITAT
 
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)