Rộng cửa nhà đất cho kiều bào

Thursday, 09/23/2010 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 22-9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN)TPHCM đã tổ chức tọa đàm, giải đáp thắc mắc về sở hữu nhà đất cho hơn200 kiều bào, thân nhân kiều bào trên địa bàn TPHCM. Tham dự có đại diệnSở Xây dựng, Sở Tư pháp, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP...
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khi Nghị định số 71/2010/ NĐ-CP và mới đây là Thông tư số 16/2010/TT-BXD ban hành ngày 1-9-2010 quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực (vào giữa tháng 10-2010) thì cơ hội được sở hữu nhà của NVNONN sẽ tăng lên.

Có thể sở hữu đất nếu trên đất có nhà

Một Việt kiều Australia thắc mắc: “Tôi muốn về Sóc Trăng mua nhà thì tôi có được mua và được đứng tên sở hữu không?”. Trả lời câu hỏi này, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết: “Trước tiên, ông cần xác định ông có thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không. Căn cứ theo Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi bổ sung thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người gốc Việt Nam đầu tư trực tiếp về Việt Nam theo pháp luật đầu tư, người có công đóng góp cho đất nước theo quy định (nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt) được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được quyền sở hữu nhà, không hạn chế số lượng. Nếu người có gốc Việt Nam nhưng không thuộc diện có công đóng góp cho đất nước như vừa kể trên nhưng được cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên cũng có quyền sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư”.

Ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ cần có giấy tờ chứng minh được phép cư trú là đủ điều kiện về cư trú để sở hữu nhà ở chứ không cần phải có thời gian cư trú thực tế (cư trú liên tục hoặc cư trú cộng dồn) đủ 3 tháng trở lên mới có thể mua nhà.

“Luật chỉ quy định việc sở hữu nhà, vậy nếu chúng tôi muốn mua đất thì có được không?”- một Việt kiều Pháp hỏi. Bà Ung Thị Xuân Hương trả lời: “Nếu muốn mua đất thì NVNONN phải mua đất dự án của những tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản chứ không được mua đất trong dân”. “Như vậy, trong trường hợp cha mẹ tôi tại Việt Nam muốn cho tôi mảnh đất thì làm cách nào để tôi có thể đứng tên sở hữu mảnh đất đó?”- một Việt kiều đang định cư tại Đức thắc mắc. Bà Hương tư vấn: “Nếu cha mẹ muốn cho con đất thì trước tiên phải xây nhà trên mảnh đất đó. Luật cho phép NVNONN sở hữu nhà và khuôn viên quanh nhà, nếu trong giấy chứng nhận có ghi rõ diện tích nhà và khuôn viên. Như vậy, diện tích nhà xây trên đất không nhất thiết phải bằng diện tích đất.

Được quyền sở hữu vĩnh viễn

Giải đáp băn khoăn về thời gian sở hữu nhà của NVNONN trong trường hợp mua nhà trong đất dự án nhưng chủ dự án chỉ được thuê đất, giao đất trong một thời gian nhất định, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, nói: “Quyền sở hữu nhà đất của người dân là vĩnh viễn, bất kể nhà đầu tư được quyền thuê đất trong bao lâu”. Ông Hiệp lưu ý: “Theo quy định mới nhất về nhà đất, những dự án khu đô thị mới phải bồi thường xong và làm xong phần móng mới được chuyển nhượng. Bà con kiều bào nên chú ý để khỏi mua nhầm dự án”.

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, thông tin: “Theo quy định, thời gian bảo hành căn hộ chung cư 9 tầng trở lên là 5 năm. Thế nhưng đó chỉ là thời gian bảo hành tính từ ngày công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng giữa chủ thầu và chủ đầu tư. Nếu người dân mua lại nhà chung cư khi đã vượt quá thời hạn bảo hành thì thời gian bảo hành cho dân tùy thuộc vào thỏa thuận giữa họ và chủ đầu tư”.

Về vấn đề người Việt Nam đã sở hữu nhà nhưng nay định cư ở nước ngoài thì có còn được đứng tên chủ sở hữu hay không, bà Ung Thị Xuân Hương khẳng định: “Pháp luật Việt Nam không buộc người đi định cư ở nước ngoài phải giao nhà cho Nhà nước hoặc tước quyền sở hữu của họ. Chỉ có điều họ phải ủy quyền cho người khác trông coi nhà, đất, tránh để tình trạng nhà đất bỏ hoang”. Nhiều kiều bào đặt vấn đề muốn thế chấp nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức tín dụng nước ngoài, bà Hương giải thích: “Nếu tổ chức tín dụng đó có trụ trở hoặc chi nhánh ở Việt Nam thì được. Nếu là ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ hoạt động ở nước ngoài thì không thể được”.
 
Theo Sài gòn Giải phòng Online
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)