Tại hội nghị, ThS.KTS Ngô Trung Hải, Q.Viện trưởng đã có tham luận “Định hướng phát triển NCKH và phát triển công nghệ của VIAP”. Theo đó, năm 2009 là năm thứ hai VIAP thực hiện quyết định số 477/QĐ-BXD ngày 2/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong đó quy định chức năng nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, đồng thời, nghiên cứu để phát triển quy hoạch xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát triển nền kiến trúc quốc gia.
Trong năm qua, Viện đã đóng góp cho xã hội 52 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học – công nghệ. 33 đề tài, dự án (65%) đạt loại tốt, xuất sắc.
Nhìn chung công tác NCKH&PTCN của VIAP đã đáp ứng được các yêu cầu xã hội, nhiệm vụ của BXD giao, số lượng đề tài, dự án lớn, nội dung phong phú và thiết thực. Chất lượng nghiên cứu tốt, tuy nhiên cần nâng cao hơn trong các năm tới. Phần lớn các đề tài, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, các đề tài hợp tác với các cơ quan quốc tế còn khiêm tốn (03 đề tài Nghị định thư).
VIAP đã đề ra định hướng công tác NCKH và PTCN 2010-2015 với mục tiêu khẳng định vị trí đầu ngành của Viện trong công tác nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch đô thị. Để thực hiện mục tiêu này VIAP đã vạch ra 4 chiến lược bao gồm: Nâng cao chất lượng nghiên cứu; Nghiên cứu trọng điểm; Mở rộng hợp tác nghiên cứu; Tăng cường trao đổi, truyền thông. Các chương trình nghiên cứu về lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc và bảo tồn di sản, lĩnh vực phê bình lý luận kiến trúc, quy hoạch, nghiên cứu biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiết kế điển hình đã được đề ra chi tiết.
Năm 2010, VIAP sẽ tập trung vào các trọng tâm nghiên cứu sau:
- Về thiết kế đô thị: Nghiên cứu biên soạn sổ tay hướng dẫn Thiết kế đô thị, Triển khai thí điểm thiết kế đô thị cho một số đô thị lớn: Hải Dương, Lào Cai, Nha Trang..., Tổ chức thi thiết kế đô thị cho Hà Nội chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tổ chức hội thảo, lớp bồi dưỡng về TKĐT.
- Về Nghiên cứu phát triển hạ tầng đô thị: Nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững hệ thống hạ tầng đô thị; Hoàn thiện nghiên cứu quy hoạch công trình ngầm đô thị; Nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc cho Hà Nội và TP. HCM; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến sử lý rác, CRT, nước thải...nhằm cải thiện chất lượng môi trường đô thị; Nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường cho các làng nghề truyền thống; Nghiên cứu mô hình đô thị nước.
- Về nghiên cứu tinh hoa kiến trúc truyền thống, kiến trúc xanh: Hoàn thiện đề tài nghiên cứu tinh hoa kiến trúc truyền thống Việt Nam, Triển khai các đề tài nghiên cứu khảo sát kiến trúc truyền thống các Vùng miền (Nam Bộ, Trung Bộ) phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu kiến trúc truyền thống; Nghiên cứu các kinh nghiệm kiến trúc truyền thống trong xây dựng tiêu chí và phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam; Xây dựng mô hình kiến trúc xanh cho các Vùng miền Việt Nam.
Các tham luận “Giao thông đô thị, thực trạng và giải pháp trong quá trình phát triển đô thị” của ThS. Trần Văn Nhân, Phát triển bền vững hệ thống giao thông đô thị Hà Nội của GS.TSKH Lâm Quang Cường - ĐH Xây dựng Hà Nội, Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị của TS.Nguyễn Hồng Tiến - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật , Giải pháp thiết kế KTX tại Việt Nam của TS. KTS Lê Thị Bích Thuận-ThS.KTS Lê Thúy Hà, Nghiên cứu bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội của TS. Tạ Hoàng Vân… đã được trình bày tại hội thảo.
Theo : Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn