Lai dắt bằng sà lan
Hôm qua 2-3, tại hiện trường ở hai điểm đúc hầm (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và dìm hầm (Thủ Thiêm, quận 1, TPHCM) khâu chuẩn bị cho việc lai dắt và dìm các đốt hầm đang được các kỹ sư, công nhân khẩn trương điều chỉnh, lắp đặt các thiết bị nhằm phục vụ cho việc dìm các đốt hầm.
Việc lai dắt các đốt hầm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì vậy liên tục trong thời gian qua các đơn vị thi công liên quan thường xuyên quan trắc dòng chảy, dùng máy sóng siêu âm dò tìm và thanh thải những chướng ngại vật có thể làm ảnh hưởng đến quá trình lai dắt đốt hầm.
Việc chọn ngày 7-3 để lai dắt đốt hầm mà không chọn ngày khác, vì trong tháng 3, chỉ có các ngày 7, 8 và 9 dòng chảy của con nước tương đối ổn định (0,5-1m/giây) so với những ngày còn lại.
Đến nay công tác thả nổi, dìm thử và kiểm tra độ chống thấm cũng như việc cân chỉnh các đốt hầm tại bể đúc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất. Theo kế hoạch, chỉ còn 4 ngày nữa đốt hầm đầu tiên chính thức được kéo ra khỏi bể đúc và lai dắt về Thủ Thiêm.
Trước khi lai dắt, đốt hầm sẽ được bịt kín hai đầu bằng thép, sau đó bơm một lượng nước vào bên trong sao cho đốt hầm nổi lên trên mặt nước khoảng 30cm, đáy hầm cách mặt đáy sông tối thiểu khoảng 1m.
Để lai dắt đốt hầm này, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) phải sử dụng 4 tàu (dạng sà lan) đặc biệt thuê từ Thái Lan (chân vịt của tàu có thể xoay 360o giúp tàu có thể quay vòng quanh khi đứng một chỗ). 4 góc của đốt hầm đã định vị giữ thăng bằng được móc vào 4 tàu.
2 tàu đi trước làm nhiệm vụ kéo đốt hầm, 2 tàu đi sau làm nhiệm vụ giữ cho hầm thăng bằng, không cho lắc lư hoặc chao đảo. Trên nóc đốt hầm được lắp đặt trụ tháp định vị cao khoảng 20m. Một thuyền trưởng đứng trên tháp cao điều khiển việc lai dắt đốt hầm bằng hệ thống bộ đàm.
Thời gian lai dắt từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai về vị trí dìm tại hầm Thủ Thiêm sông Sài Gòn, dự kiến mất 8 - 10 tiếng đồng hồ. Do luồng sông Sài Gòn hẹp lại có nhiều cảng, tàu thuyền neo đậu hai bên nên sẽ cấm tàu thuyền hoạt động.
Kỳ công lắp đặt
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, khi đốt hầm về đến khu vực hầm dẫn bờ Thủ Thiêm (quận 2), đốt hầm sẽ được các kỹ sư tiến hành cân chỉnh, định vị đúng tim vị trí cần dìm. Việc dìm và lắp đặt mỗi đốt hầm mất khoảng 36 giờ (tuyệt đối cấm tàu thuyền qua lại).
Trong thời gian này, đội ngũ 20 kỹ sư, thợ lặn chuyên nghiệp (từng tham gia thi công một số hầm ở Đài Loan, Hồng Kông – Trung Quốc) thay phiên nhau làm việc liên tục dưới đáy sông. Đốt hầm sau khi được định vị sẽ được bơm thêm nước vào bên trong cho đủ nặng để hầm chìm xuống đúng vị trí. Tiếp theo, đơn vị thi công sẽ hút nước ra khỏi hầm.
Theo đơn vị thi công, bên trong đốt hầm chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có 8 bể chứa nước cùng hệ thống bơm tự động. Do đó, việc rút nước thực hiện lần lượt từng bể một, bên cạnh việc hút nước ra ngoài, đơn vị thi công sẽ bơm một lượng bê tông tương ứng vào bên trong đáy hầm, để giữ thăng bằng đốt hầm không bị nổi lên mặt nước. Lượng bê tông được bơm vào chính là mặt đường trong hầm cho xe lưu thông sau khi hầm hoàn thiện.
Hai bên hầm được chèn một lớp đá, còn trên nóc hầm được gia cố thêm một lớp hộc dày 1m và lớp đất đắp dày 2m. Sau khi lắp đặt xong mỗi đốt hầm, đơn vị thi công sẽ tháo tháp thông gió trên nóc hầm, với đường kính khoảng 0,75m thông vào bên trong hầm (cũng chính là lối đi để công nhân ra vào làm việc), và đổ bê tông bịt kín lỗ thông gió.
Tương tự, lần lượt các đốt hầm thứ hai, thứ ba, thứ tư được lai dắt về vị trí đã thiết kế sẵn tiến hành dìm và lắp đặt giữa các đốt hầm với nhau thành một đường hầm dài khoảng 370m dìm âm sâu 12m dưới đáy sông. Giữa mỗi đốt hầm sẽ lắp đặt 2 lớp ron bảo vệ đặc biệt, tuổi thọ của các ron này khoảng 100 năm.
Theo Sài gòn Giải phòng Online