Xi măng Việt Nam bắt đầu vươn ra thế giới

Thursday, 01/07/2010 00:00
Acronyms View with font size
Ngành xi măng Việt Nam đang tính đến các thị trường ngoài nước, sau khi lần đầu tiên trong lịch sử đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ở thời điểm cuối năm 2009.

Nhà máy xi măng Thăng Long (Hoành Bồ - Quảng Ninh)

Xi măng là một trong những ngành công nghiệp được hình thành sớm nhất ở nước ta (cùng với các ngành than, dệt, đường sắt) và đã có đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến cuối năm 2009, tổng số dây chuyền xi măng đã đầu tư, khai thác lên tới con số 97, với tổng công suất thiết kế 57,4 triệu tấn/năm, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước.

Xi măng đã đảm bảo nhu cầu trong nước

Nếu ngày 25/12/1889, đánh dấu mốc khởi đầu công nghiệp xi măng Việt Nam với việc khởi công xây dựng nhà máy xi măng đầu tiên tại Hải Phòng thì đến nay đã có khoảng 90 Công ty, đơn vị tham gia trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất xi măng trong cả nước, trong đó khoảng 33 thành viên thuộc tổng công ty xi măng Việt Nam, 5 công ty liên doanh, và hơn 50 công ty nhỏ và các trạm nghiền khác.

Đặc biệt, trong 2 thập kỷ Đổi mới vừa qua, công nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh. Nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá rằng, thiết bị công nghệ sản xuất xi măng ở nước ta hiện nay đang ngang tầm với mức tiên tiến trung bình của thế giới, có một số nhà máy đã đạt trình độ hiện đại trên thế giới.

Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ sản xuất xi măng có công suất lớn, đồng thời tiết kiệm trên 70% phí thuê chuyên gia nước ngoài trong việc quản lý dự án, lắp đặt, vận hành và sửa chữa.

Đến cuối năm 2009, khi có nhiều nhà máy xi măng hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động nên khả năng sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đã thành hiện thực.

Năm 2010, dự kiến có thêm 13 dây chuyền xi măng hoàn thành, tăng công suất thiết kế 11,7 triệu tấn; năm 2011 có 12 dây chuyền mới vào hoạt động, với công suất 9,35 triệu tấn. Như vậy, so với nhu cầu năm 2010, sản lượng xi măng có thể vượt khoảng 2 triệu tấn và năm 2011 có thể vượt 8 triệu tấn.

Với quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2015, sản lượng xi măng dư thừa lên tới 14 triệu tấn. Để phát huy hết công suất thiết kế các dự án xi măng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Xây dựng ngừng phê duyệt dự án đầu tư xi măng từ nay đến năm 2020.

Và hướng ra biển lớn

Trước nội lực sản xuất xi măng mạnh như vậy, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, các đơn vị liên doanh và các cơ sở sản xuất xi măng lớn khác cần xúc tiến sớm việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu để đảm bảo sản xuất ổn định, không để xảy ra tình trạng “thừa” xi măng – lãng phí trong khai thác công suất máy móc, giảm lợi nhuận kinh doanh.

Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng khẳng định, khi mà thị trường trong nước đã được đáp ứng đủ thì việc xuất khẩu là điều các doanh nghiệp phải tính tới.

Được biết, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả (Tổng Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - VINACONEX) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được lượng lớn xi măng sang châu Phi, với lô hàng đầu tiên là 12.500 tấn. Sau đó, tháng 4/2009, Xi măng Cẩm Phả lại tiếp tục xuất sang Nam Phi và Trung Đông với khối lượng khoảng 15.000 tấn. Ngoài ra doanh nghiệp này còn ký hợp đồng khung tiêu thụ sản phẩm clinker và xi măng tại thị trường Mỹ và Nam Mỹ với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm.

Cũng trong năm 2009, Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên đã xuất khẩu 16.000 tấn xi măng sang Campuchia. Sắp tới, xi măng Hoàng Mai cũng sẽ lên đường đi châu Phi, Trung Đông và một số nước khác. Những lô hàng xi măng xuất khẩu đầu tiên đã đánh dấu bước phát triển mới trong ngành sản xuất ximăng Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng suôn sẻ trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi măng. Các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo: Việc xuất khẩu xi măng phải cân nhắc kỹ bởi giá cước vận chuyển cao và phải cắt giảm các định phí, tài chính trong nước.

“Để có được những hợp đồng xuất khẩu, các nhà máy xi măng phải đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe về công nghệ dây chuyền sản xuất, bảo vệ môi trường... Chúng ta có nhiều nhà máy đáp ứng được yêu cầu này nên hoàn toàn có thể tính đến xuất khẩu”, tiến sĩ Trần Văn Huynh lạc quan.
 
Theo : www.chinhphu.vn
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)