Quy định về giám sát và đánh giá dự án đầu tư

Saturday, 12/19/2009 00:00
Acronyms View with font size
Nhằm hạn chế tình trạng các dự án đầu tư, đặc biệt là từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bị sử dụng không hiệu quá, lãng phí, gây thất thoát, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 về giám sát và đánh giá đầu tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2010.

Việc giám sát và đánh giá đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng để đồng vốn đầu tư được sử dụng đúng mục tiêu và đảm bảo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Việc giám sát, đánh giá đầu tư sẽ áp dụng đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và cả các dự án sử dụng nguồn vốn khác; bao gồm 3 nội dung: Theo dõi, kiểm tra và đánh giá dự án.

Nghị định quy định về nội dung giám sát, đánh giá cũng như việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn.

Đối với các dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước, các nội dung theo dõi sẽ được chia thành 3 cấp: Chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Về chế độ kiểm tra, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên; người có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ tổ chức kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng... còn cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Ngoài ra, sẽ thực hiện đánh giá đầu tư đối với các dự án: Các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án; các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện.

Đối với các dự án sử dụng nguốn vốn khác, các nội dung theo dõi được chia thành 2 cấp là chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Về nội dung kiểm tra, người có thẩm quyền cấp GCN đầu tư sẽ kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai... còn cơ quan quản lý nhà nước, ngoài các nội dung trên sẽ kiểm tra sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan...

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác, đánh giá dự án không phải nội dung bắt buộc mà chỉ khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác thực hiện các đánh giá đầu tư. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chỉ quyết định việc tổ chức đánh giá khi cần thiết và phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động đầu tư.

Một số ý kiến cho rằng Nghị định quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh như vậy là quá rộng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ phó Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn không phải vốn nhà nước thì Nhà nước chỉ theo dõi, đánh giá 4 nội dung chính là quy hoạch, đất đai, ảnh hưởng môi trường và tiến độ thực hiện dự án. Như vậy, đối với các dự án này, Nhà nước chỉ giám sát các nội dung mang tính chất vĩ mô, còn việc huy động vốn ra sao, bán sản phẩm như thế nào... là trách nhiệm của chủ đầu tư. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này không quá rộng.

Ông còn cho biết thêm, hoạt động kiểm tra, đánh giá là định kỳ nhưng phải theo kế hoạch. Có nghĩa là căn cứ vào nguồn lực, tài chính thì lên kế hoạch kiểm tra tính khả thi, không có nghĩa là tất cả các dự án trong một kỳ phải kiểm tra và đánh giá hết, mà tuỳ theo nguồn lực tài chính, con người mà có kế hoạch cho phù hợp.

Chế tài nghiêm khắc

Nghị định quy định cụ thể chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư; đồng thời, cũng quy định chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về giám sát, đánh giá đầu tư. Theo đó, trong thời hạn quy định mà các Bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các hình thức xử lý thích hợp.

Đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cần báo cáo cấp có thẩm quyền và kiến nghị các hình thức xử lý về hành chính (2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo, đề nghị hình thức cảnh cáo; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 6 kỳ không báo cáo, đề nghị chuyển công tác những người liên quan).

Các dự án không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 2 kỳ liền hoặc 3 kỳ trở lên trong năm trước sẽ không được ghi vốn kế hoạch năm sau....

Đánh giá về hiệu quả của Nghị định, ông Nguyễn Xuân Tự cho rằng, vấn đề chính là những đơn vị và cá nhân liên quan thực hiện như thế nào. Việc thực hiện phải nghiêm túc mới đảm bảo việc tiền kiểm sang hậu kiểm hiệu quả. Chủ đầu tư là tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phải theo dõi dự án của họ và báo cáo lên cấp trên. Qua hệ thống đó, các cơ quan nhà nước biết được các dự án có sử dụng vốn nhà nước được triển khai, sử dụng như thế nào. Mục đích của nghị định không phải là đợi làm sai để xử lý, mà là phát hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện để kịp thời chấn chỉnh. Tức là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Việc giám sát và đánh giá này có ý nghĩa rất quan trọng để đồng vốn, nhất là đồng vốn nhà nước, được sử dụng đúng mục tiêu và đảm bảo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
 
Hiện nay trong công tác giám sát và đánh giá dự án đầu tư vẫn tồn tại một số hạn chế như: Còn một số đơn vị quản lý nhà nước, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư; chưa gửi báo cáo định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng cán bộ giám sát, đánh giá đầu tư chưa đáp ứng được nhiệm vụ; một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư; quy trình và phương pháp thực hiện công việc còn nhiều điểm bất cập.

Đánh giá về chất lượng quản lý dự án đầu tư năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tượng dự án treo, dự án ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất đai là khá nhiều. Các vi phạm phổ biến vẫn là dự án chậm tiến độ với 4.064 dự án, chiếm 17,7% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong năm. Vi phạm về quy hoạch là 87 dự án, chiếm 0,4%. Đấu thầu không đúng qui định là 21 dự án, chiếm 0,1%; phê duyệt chậm là 44 dự án, chiếm 0,2%. Chất lượng xây dựng thấp là 43 dự án, chiếm 0,2% và có lãng phí là 61 dự án, chiếm 0,3%. Có 4.241 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, chiếm khoảng 18,4% so với tổng số dự án thực hiện của năm. Tỷ lệ vi phạm này tăng lên nhiều so với các năm trước như năm 2006 là 13,4%, năm 2007 là 17,6%.

Nghị định này được ban hành sẽ khắc phục những tồn tại của công tác giám sát, đánh giá đầu tư và thống nhất cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình.

Theo : www.chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)