Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Phạm vi điều chỉnh của dự luật KDBĐS không vướng luật nào khác

Wednesday, 11/16/2005 00:00
Acronyms View with font size
Trước khá nhiều ý kiến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, đại diện Ban Soạn thảo đã có một số giải trình những vấn đề mà các đại biểu đang quan tâm. Báo Xây dựng xin lược trích một phần nội dung giải trình của Bộ trưởng.
"Việc mua, bán, giao dịch bất động sản BĐS giữa các chủ thể chủ thể số 1 và chủ thể số 2, tôi xin phép nói để chúng ta dễ hình dung là bình thường, nó sẽ được điều chỉnh bởi những luật như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Nhà ở... Nhưng tư tưởng cốt lõi trong dự thảo luật này là chúng tôi nghiên cứu và đưa ra việc đưa BĐS từ chủ thể thứ nhất đến chủ thể thứ hai theo phương thức mua, bán và cho thuê thông qua một chủ thể thứ ba là trung gian.
Trong thực tiễn cuộc sống của chúng ta đã có những việc này rồi, chúng ta gọi chủ thể thứ ba này là anh cò. Buôn bán BĐS rất khó và phức tạp nên rất cần anh này, anh này chưa được pháp luật thừa nhận cho nên họ hoạt động ngầm, làm cho thị trường BĐS của chúng ta trở thành như thị trường ngầm... Tư tưởng cốt lõi trong dự thảo mà chúng tôi đưa ra báo cáo với Quốc hội là Văn bản quy phạm pháp luật này sẽ điều chỉnh hành vi và mối quan hệ của ba chủ thể đó…
Có một tình huống là, anh số 1 đầu tư tạo lập nhà ở để bán, ví dụ như các Cty ta thấy ở các đô thị lớn, họ đầu tư theo dự án, làm ra rất nhiều BĐS để bán hoàn toàn không phải là người làm cái nhà để ở. Trong dự thảo luật này có nói đến chỗ ấy để điều chỉnh cả hành vi và mối quan hệ của anh số 1, có hành vi kinh doanh…
Với tư tưởng điều chỉnh hành vi và mối quan hệ xoay quanh hoạt động kinh doanh BĐS như vậy, chúng tôi nghĩ không chéo, không vướng luật nào khác, ví dụ: Luật Dân sự, nếu anh số 1 sa thải anh số 2 thì chẳng vướng gì cả, thậm chí trong ví dụ này các vị xem đều là hoạt động của sàn giao dịch là anh số 3, anh này có thể mua thẳng luôn BĐS của anh số 1, đấy là Luật Dân sự, trong luật chúng tôi không khuyến khích hành vi này.
Thứ hai, trong này có một số hoạt động cung ứng dịch vụ BĐS, dịch vụ kinh doanh BĐS rất nhiều, nhưng đều nhằm mục tiêu là phục vụ cho việc đưa được BĐS từ anh số 1 đến anh số 2… Định giá của BĐS rất phức tạp, nhưng anh định thế nào thì định, miễn là người số 1 với số 2 thoả thuận với nhau, đó lại là quan hệ dân sự. Tất cả các dịch vụ ở trên sàn này, đều phục vụ với mục tiêu là người bán bán được, người mua mua được. Trong này chúng ta chỉ nói đến thế thôi, nếu chúng ta lại đi sâu quá vào việc định giá thì định như thế nào? có khi ta thoát ly với mục tiêu mua và bán trong quan hệ kinh tế thị trường.
Thị trường BĐS ở nước ta hiện nay có đặc điểm chưa phát triển, có nhiều loại BĐS có thể có sự giao dịch mua, bán nhưng chưa hình thành. Dự thảo luật đưa ra cũng để từng bước ổn định dần rồi rút kinh nghiệm. Người kinh doanh BĐS cũng thừa biết là chẳng ai đi đầu tư làm sân bay xong rồi đợi để giao bán, có thể có sự sang nhượng một bến cảng, một sân bay, một cây cầu, một con đường, chuyển nhượng sở hữu mua bán, nhưng thị trường lại khó. Cho nên, trong đối tượng các loại BĐS chúng tôi đưa vào như vậy.
Một ý nữa tôi cũng muốn báo cáo thêm với Quốc hội là trong luật đưa yếu tố người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài nhằm tăng nguồn cung BĐS để phục vụ cho việc kinh doanh mua bán, cho thuê.
Về hợp đồng, do hoạt động BĐS trong luật này đưa ra như thế nên hợp đồng có hai loại. Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban kinh tế ngân sách, chúng tôi có chỉnh sửa loại hợp đồng về dịch vụ, tức là anh số 1 và anh số 3 và anh số 2 với anh số 3. Cái này chỉ có thời đoạn thôi, kết quả có đưa được BĐS từ anh số 1 đến anh số 2 hay không, mới là mục tiêu chính. Mọi người đều nhắm vào mục tiêu này, số 1, số 2, số 3 đều thế. Khi đạt được mục tiêu là BĐS đưa được từ anh số 1 đến anh số 2 rồi thì hợp đồng đấy là hợp đồng kinh doanh BĐS, mua, bán BĐS. Luật dân sự cũng quy định phải công chứng hợp đồng, bản thân anh số 3 không làm hợp đồng mà giúp cả hai anh kia làm hợp đồng. Còn họ ký hợp đồng với anh số 2 là hợp đồng dịch vụ, dịch vụ này họ được hưởng hoa hồng về môi giới như trong dự thảo cũng đưa ra. Hợp đồng có thời hạn và do hai bên thoả thuận.
Chúng tôi nhận thức đã là quan hệ giữa hai chủ thể là quan hệ dân sự, nên bao giờ cũng nói giữa hai bên thoả thuận với nhau. Như vậy đúng với tinh thần của Luật Dân sự.
Chúng tôi báo cáo thêm với Quốc hội một số ý kiến như vậy. Sau kỳ họp này UBTVQH chỉ đạo chúng tôi sẽ tiếp thu, làm rõ thêm những điều nào các đại biểu chưa rõ, để được trình ra trong phiên thảo luận tới của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, gửi các đoàn".

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 91, ngày 15/11/2005
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)