Rà soát nhằm cắt giảm 30-50% các TTHC

Friday, 09/18/2009 00:00
Acronyms View with font size
Theo Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Ngô Hải Phan, đợt tập huấn lần này giúp các Bộ, ngành thực hiện việc đơn giản hóa TTHC nhằm đạt chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 30-50% các TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 17/9, tại Hà Nội, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn cải cách thể chế của Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức đợt tập huấn Đề án 30 cho 24 đơn vị thuộc các Bộ, ngành.

Các học viên được chia thành nhóm và sử dụng biểu mẫu rà soát để thực hiện ngay việc rà soát các TTHC đã được chọn lựa theo một số nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, hải quan. Sau 2 giờ rà soát, các nhóm  đưa ra khuyến nghị về việc duy trì, bãi bỏ hoặc đơn giản hoá đối với mỗi TTHC, kèm lý do của các khuyến nghị này.

Tại buổi tập huấn, một vấn đề nổi lên là: Cơ sở để xác định TTHC nào là cần thiết, phải loại bỏ là gì và ai là người chịu trách nhiệm thực hiện việc cắt giảm thủ tục này (bởi mỗi TTHC đều có “lý do tồn tại”)?

Thừa nhận đây là một thực tế, là một câu hỏi khó, chuyên gia tư vấn cải cách thể chế của Dự án VNCI Scott Jacobs cho biết, với cơ chế đang triển khai Đề án 30 của Chính phủ Việt Nam, trong quá trình rà soát, cắt bỏ TTHC có đề ra yêu cầu lấy ý kiến của cơ quan ban hành, ý kiến của người dân bị ảnh hưởng và ý kiến của Tổ công tác chuyên trách (hoạt động độc lập, khách quan) thì việc cắt giảm TTHC có rất nhiều thuận lợi.

Theo ông Scott Jacobs, khi cắt giảm TTHC phải trả lời được một số vấn đề sau: TTHC được đặt ra nhằm đạt mục tiêu gì; có biện pháp nào thay thế TTHC này mà vẫn đảm bảo mục tiêu đặt ra hay không? Bên cạnh đó cũng cần xác định rõ: Các TTHC cần cắt bỏ khi mục đích không rõ ràng, TTHC đã lỗi thời không còn cần thiết trong tương lai hoặc TTHC trùng lặp hoặc mâu thuẫn, thậm chí vi phạm quyền tự do lựa chọn của người dân .

Thông thường khi cắt giảm TTHC do sợ “động chạm” nên nhiều nơi chỉ cắt bỏ những thủ tục đơn giản nhất. Vì vậy điều quan trọng là phải đặt mình vào người chịu tác động bởi chính thủ tục đó và xác định rõ việc cắt giảm TTHC phải đưa lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Cuối cùng, khi bộ TTHC đã được đơn giản hoá, cần phải có cơ chế kiểm soát sự gia tăng tiếp theo của TTHC. 

Vấn đề này, ông Scott Jacobs nhận xét, do đã tiên liệu trước nên Việt Nam đã có công cụ để kiểm soát, theo đó, Chính phủ Việt Nam yêu cầu phải có đánh giá tác động của văn bản trước khi ban hành. Đây là cơ sở để duy trì thành công Đề án 30 ngay cả khi Đề án kết thúc.  

Ông Scott Jacobs nhận xét một cách lạc quan, với quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Đề án 30 sẽ thực hiện thành công. 

Theo : www.chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)